(HNMO)- Với sự nhất trí cao dựa trên bộ tiêu chí mà di sản thế giới cần có được, vào lúc 18h7 ngày 6-12, tại Paris (Pháp), Ủy ban Liên Chính phủ thuộc UNESCO đã công bố danh sách 17 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại, trong đó có “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam.
Các di sản văn hóa phi vật thể mới của nhân loại là “Trang phục cưới truyền thống” ở Tlemcen (Algeria) - được vinh danh bởi giá trị độc đáo truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác; là “Bản anh hùng ca ở Armenia” gắn với các câu chuyện kể, các bài hát, bản nhạc về anh hùng David có công bảo vệ quê hương trong cuộc chiến không cân sức chống lại quỷ dữ; là “Lễ hội hóa trang ở Imst” (Áo) với sự tham gia của các vũ công đeo mặt nạ, diện trang phục tuyệt đẹp thể hiện tinh thần đoàn kết của người người dân vùng Imst; là “Nghệ thuật chế tác và trình diễn đàn tar” góp mặt trong nhiều hoạt động âm nhạc truyền thống của đất nước Azerbaijan; là “Nghệ thuật âm nhạc và nhảy múa Bigwala” của người Basoga ở Uganda - thường được trình diễn trong các sự kiện trọng đại của hoàng gia. Ngoài ra, nghề thủ công làm đồ đất nung ở quận Kgatleng, vùng Đông Nam Botswana; kỹ thuật làm túi thêu của người Papua (Indonesia); nghệ thuật dệt thảm Kyrgyz … cũng được UNESCO ghi nhận và vinh danh trong dịp này.
Theo đánh giá của các chuyên gia thế giới, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam đáp ứng được 5 tiêu chí nghiêm ngặt do UNESCO đề ra như tính cấp bách hay tính đại diện, có tính thực hành tốt trong đời sống cộng đồng, có sức lan tỏa và khích lệ. Đây là di sản đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng. Với “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, đây là lần đầu tiên UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Tổ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều đáng tự hào nữa là bộ hồ sơ khoa học về di sản của Việt Nam đã nhận được số phiếu tuyệt đối - 24/24.
Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam có một loạt di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh ở tầm thế giới (Không gian cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc cung đình Huế, Ca trù, Quan họ, Hội Gióng, Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.