(HNM) - Tuyên bố của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình về việc giảm ngay lãi suất cơ bản 1%; nếu xu hướng lạm phát tiếp tục diễn biến tích cực như hiện nay, lãi suất sẽ giảm trung bình 1%/quý; và đến cuối năm khả năng lạm phát ở mức dưới 10%, lãi suất huy động sẽ giảm xung quanh mức 10%... đã phát đi những tín hiệu lạc quan trong chính sách tiền tệ.
Việc không mấy doanh nghiệp mặn mà với tuyên bố của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có nhiều nguyên nhân. Trước hết là do lãi suất hiện nay đã ở mức quá cao, giảm 1-2% chưa thật sự là động lực thúc đẩy phát triển sản xuất. Thêm nữa, dù thông báo hạ lãi suất nhưng nhiều ngân hàng cũng cho biết chỉ có khoảng 1-1,5% khách hàng được hưởng mức lãi suất thấp. Như vậy số doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn này không nhiều. Chưa kể tính thanh khoản của nhiều ngân hàng hiện nay không đáp ứng được nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, công bố giảm lãi suất theo phong trào… Thế nên với nhiều doanh nghiệp, tuyên bố hạ lãi suất vào thời điểm này chỉ mang ý nghĩa tinh thần.
Trong bối cảnh tính thanh khoản chưa được cải thiện, nợ xấu vẫn là vấn đề nan giải, đương nhiên các ngân hàng thương mại phải chọn lọc khách hàng. Do vậy, chỉ doanh nghiệp có tài sản lớn, hoạt động trên lĩnh vực xuất nhập khẩu mới có thể tiếp cận được những nguồn vốn lãi suất thấp. Điều này không khó lý giải, bởi các ngân hàng phải lo cho họ bằng việc né tránh rủi ro, chưa kể việc có thể trông vào nguồn thu ngoại tệ từ các doanh nghiệp này. Còn doanh nghiệp vừa và nhỏ - đối tượng khó khăn nhất trong bối cảnh thắt chặt tín dụng hiện nay - thường không đáp ứng được mức tín nhiệm của ngân hàng đành chấp nhận "đứng ngoài cuộc chơi".
Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam không thực sự dư dả, nguồn vốn sản xuất, kinh doanh chủ yếu vay ngân hàng. Với mức lãi suất cao như hiện nay, doanh nghiệp nói chung đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó cầm cự. Trong bối cảnh nguồn vốn khó khăn, nhiều doanh nghiệp thậm chí đã chấp nhận huy động vốn "chui", vay với lãi suất cao để không rơi vào cảnh phá sản, nhưng một khi ngân hàng còn phải đua tranh huy động vốn thì đương nhiên cơ hội không đến với họ. Hàng chục nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động, tuyên bố phá sản trong thời gian vừa qua đã cho thấy một bức tranh ảm đạm của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Và rõ ràng, khó khăn vẫn chưa hết.
Tuy nhiên, từ thông điệp của Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp có thể kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian tới sẽ tiếp tục hạ xuống. Và sẽ sớm xuống tới mức 12-13% - mức có thể bảo đảm lợi nhuận cho doanh nghiệp như nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế. Để đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, trước mắt cần giải quyết các rủi ro tiềm ẩn để hệ thống ngân hàng thương mại vận hành suôn sẻ hơn. Cùng với đó là những giải pháp đồng bộ, quyết liệt kéo lạm phát xuống mức thấp hơn nữa. Chỉ như vậy doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới tiếp cận được vốn vay ở mức lãi suất thấp. Còn như việc hạ lãi suất mà doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn thì cũng chỉ là những tín hiệu "đẹp" mang ý nghĩa tinh thần từ phía ngân hàng mà thôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.