(HNM) - Giải thưởng Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2020 vừa công bố tuần qua được giới chuyên môn đánh giá là mùa giải thành công, đặc biệt là thể loại khí nhạc.
Theo nhận định của Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân, tuy ca khúc chiếm số lượng lớn, nhưng chưa có bài nào mang tính bứt phá trong thủ pháp, đề tài, ngôn ngữ âm nhạc. Phần nhiều đều nghe quen, có bài còn giống nhau cả giai điệu và nội dung. Trong khi đó, các tác phẩm giao hưởng, thính phòng của tác giả Việt Nam năm qua có đề tài phong phú, từ lịch sử, chiến tranh cách mạng đến tình yêu quê hương, đất nước, con người.
Các nhạc sĩ đã biết khai thác tính dân tộc, kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và âm nhạc phương Tây, đồng thời có tìm tòi sáng tạo trong cấu trúc và ngôn ngữ thể hiện. Tiêu biểu như tác phẩm giao hưởng thơ “Hoài Văn Hầu - Trần Quốc Toản” của tác giả Nguyễn Ngọc Tú, “Tứ tấu dây” của tác giả Mai Ngọc Hùng, “Xoan ghẹo hội xuân” của tác giả Vũ Hùng, “Tiếng gọi vùng cao” của tác giả Tuấn Khương…
Điều đáng nói, nhiều tác phẩm giao hưởng, thính phòng đã được các dàn nhạc giao hưởng, nghệ sĩ biểu diễn thành công trên các sân khấu. Đặc biệt, tác phẩm lớn, đậm màu sắc anh hùng ca của Việt Nam là giao hưởng thơ “Hoài Văn Hầu - Trần Quốc Toản” được Dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện quốc gia Bucharest của Romania lựa chọn trình diễn và phổ biến trên nhiều phương tiện.
Đây là tín hiệu tốt cho âm nhạc giao hưởng, thính phòng Việt Nam, minh chứng cho sự phát triển của thể loại quan trọng này trên trường quốc tế, đồng thời lan tỏa những tác phẩm hay, giá trị tới khán giả. Điều này cũng động viên các nhạc sĩ đi sâu khai thác kho tàng văn hóa, lịch sử phong phú của dân tộc, tìm tòi kết hợp mới với âm nhạc phương Tây, từ đó đưa âm nhạc Việt Nam vươn xa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.