(HNMO) - Tính đến ngày 20/2, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với nền kinh tế giảm 1,66% so với cuối năm 2013.
Bà Nguyễn Thị Hồng tại buổi họp báo |
Thông tin trên được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra chiều 28/2.
Như vậy, đây là tháng thứ 2 tháng liên tiếp tín dụng tăng trưởng âm. Trước đó, tháng 1 tín dụng giảm 1,21%.
Tuy nhiên, theo nhận định của NHNN, mức giảm này là “phù hợp với tính quy luật của những năm gần đây, bởi tín dụng thường giảm hoặc tăng chậm trong những tháng đầu năm”. Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2012 tín dụng giảm 1,88%, 2 tháng 2013 giảm 0,23%.
Bà Nguyễn Thị Hồng-Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, NHNN, cho biết, trong năm 2014, mục tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng toàn hệ thống là 12-14%. Tuy nhiên, mục tiêu này có thể được điều chỉnh linh hoạt theo tình hình thực tế. Căn căn cứ tình hình hoạt động tín dụng, khả năng tăng trưởng tín dụng của từng TCTD mà NHNN sẽ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp cho từng tổ chức tín dụng.
Về lãi suất huy động VND, hiện mặt bằng lãi suất huy động của các TCTD phổ biến là lãi suất không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 1-1,2%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là khoảng 5-7%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 6,5-7,5%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng ở mức khoảng 7,5-8,5%/năm.
Như vậy, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng đã có nơi ngân hàng giảm xuống dưới mức trần 7% như quy định của nhà nước, vì thế câu hỏi được phóng viên đặt ra là khi nào sẽ bỏ trần lãi suất huy động? Tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Hồng cho hay, thời gian qua các TCTD đã diều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 1-12 tháng từ 0,3%-0,5%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng ngân hàng giảm nhẹ hơn, 0,1%/năm. Động thái này thể hiện bản thân ngân hàng đã đặt ra mức thỏa thuận với khách hàng dựa trên cung cầu thị trường.
Bà Hồng cũng thừa nhận, thực tế hiện nay trần lãi suất huy động không còn nhiều ý nghĩa trong việc ngăn chặn xáo trộn về lãi suất. “Việc bỏ trần lãi suất huy động VND đã được NHNN tính đến. Tuy nhiên, vĩ mô ổn định và thanh khoản vững chắc thì mới có thể bỏ trần lãi suất”.- Người đứng đầu Vụ Chính sách Tiền tệ nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.