Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm sinh kế cho người buôn bán vỉa hè

Nguyễn Lê| 29/05/2017 07:26

(HNM) - Hiện nay, các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung tìm biện pháp để sắp xếp, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, đem lại sinh kế bền vững cho những hộ buôn bán lấn chiếm vỉa hè.


Thời gian qua, tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường tại TP Hồ Chí Minh diễn ra khá phổ biến sau đợt cao điểm lập lại trật tự của các cơ quan chức năng. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường đã "đụng" đến “sinh kế” của một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là người buôn bán hàng rong.

Tại cuộc họp mới đây về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chỉ rõ, một số quận, huyện thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố chưa nghiêm, chưa đồng loạt, đồng bộ, nhiều nơi làm theo phong trào, vội vã khiến người dân kỳ vọng rồi thất vọng.

Trước thực trạng này, UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các quận, huyện 3 tháng họp một lần để kiểm điểm, khắc phục những tồn tại và việc chưa làm được. Trong đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng được đưa ra là sắp xếp lại địa điểm, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho những hộ buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, trong đó có người bán hàng rong.

Thực tế cho thấy, chưa nhiều địa phương làm tốt công tác này, chủ yếu mới dừng lại ở chủ trương, kế hoạch. Đơn cử, tại quận 8, thống kê ban đầu cho biết trên địa bàn có tới 1.389 hộ buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, trong đó có cả người bán hàng rong. Tuy nhiên, quận 8 hiện chỉ có khoảng 950 quầy sạp tại các chợ còn trống, giá thuê cũng khá cao nên khó đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận người buôn bán đang sống “nhờ” vỉa hè.

Ông Lê Quỳnh Đài, Phó Chủ tịch UBND quận 8 cho biết, do số lượng quầy sạp hạn chế nên sẽ ưu tiên những hộ nghèo, cận nghèo. Những hộ này sẽ được hỗ trợ chính sách ưu đãi, giảm tiền thuê sạp; hộ có nguyện vọng chuyển đổi ngành nghề sẽ được quận tạo điều kiện học nghề.

Tại quận 10, chính quyền địa phương cũng đang tính tới phương án giải quyết cho những người bán hàng rong có chỗ buôn bán ổn định. Cụ thể, lãnh đạo quận đang xây dựng phương án trình UBND thành phố phê duyệt cho quận thí điểm thành lập các khu phố ẩm thực, phố hàng rong trên các tuyến đường có vỉa hè rộng trên 6m và một số vị trí đất trống trên địa bàn. Trong thời gian chờ phê duyệt, quận sẽ sắp xếp những hộ buôn bán hàng rong vào các ngõ lớn và đường nhỏ để kinh doanh, với điều kiện người dân khu vực đó đồng ý và buôn bán trong khu vực quy định.

Tuy vậy, theo các cơ quan chức năng, việc sắp xếp hoặc chuyển đổi ngành nghề cho các đối tượng trên sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố có 3.631 tuyến đường có bề rộng lòng đường nhỏ hơn 7,5m với chiều dài 2.328km (chiếm 57,59%) và 1.238 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7,5m trở lên với chiều dài 1.716km (chiếm 42,41%). Trong số này có hơn một nửa tuyến đường không có vỉa hè. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh có lượng người nhập cư rất lớn, nhu cầu buôn bán trên vỉa hè cao nên thành phố cũng khó có đủ mặt bằng để đáp ứng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tìm sinh kế cho người buôn bán vỉa hè

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.