Sốt rét, căn bệnh giết chết 400.000 người mỗi năm có thể bị đẩy lùi hoàn toàn sau khi các nhà khoa học tìm ra phương pháp diệt sạch muỗi.
Theo National Public Radio, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Maryland (UMD) đã biến đổi gen một loại nấm để tạo ra độc tố giúp diệt muỗi nhanh chóng. Trong thử nghiệm ngoài thực địa, loại nấm này đã làm giảm 99% số muỗi.
Theo bài báo xuất bản hôm 30-5 trên tạp chí Science, loại nấm mà các nhà nghiên cứu UMD sử dụng vốn có khả năng diệt muỗi trong tự nhiên nhưng tác dụng chậm. Muỗi sau khi bị nhiễm nấm vẫn đủ thời gian lây sốt rét cho người.
Phương pháp mới có thể diệt sạch 99% số muỗi. Ảnh: NPR. |
Để tăng cường hiệu quả cho loại nấm này, nhóm nghiên cứu đã biến đổi gen, tạo ra độc tố có nguồn gốc từ nọc của nhện phễu Australia, giúp diệt muỗi nhanh hơn rất nhiều.
Các tác giả đã tiến hành thử nghiệm trong “MosquitoSphere”, một nhà kín lớn, bao quanh bởi lưới chống muỗi và mô phỏng điều kiện một ngôi làng ở Burkina Faso (châu Phi).
Nấm biến đổi gen được cấy lên bề mặt phẳng và dán vào bức tường trong khu vực thử nghiệm. Quần thể muỗi đã biến mất sau 45 ngày. Nấm cũng hiệu quả trong việc tiêu diệt muỗi kháng thuốc.
Theo nhóm nghiên cứu, đây là lần đầu tiên áp dụng phương pháp biến đổi gen để chống lại bệnh sốt rét được thực hiện bên ngoài phòng thí nghiệm.
"Chúng tôi rất vui mừng", Raymond St. Leger, Giáo sư côn trùng học tại Đại học Maryland, người đứng đầu nghiên cứu cho biết. "Kết quả rất tốt. Điều này có thể cứu nhiều mạng sống".
Mặc dù phương pháp mới tỏ ra hiệu quả trong diệt muỗi, nhưng việc sử dụng kỹ thuật di truyền đã gây tranh cãi và lo ngại về mức độ nguy hiểm khi áp dụng rộng rãi.
Theo ý kiến của nhà hoạt động môi trường Nnimmo Bassey, Giám đốc Quỹ Health of Mother Earth, chống bệnh sốt rét là điều tất cả mọi người nên làm, nhưng sử dụng kỹ thuật di truyền lại rất nguy hiểm.
Việc thả một sinh vật biến đổi gen ra bên ngoài tự nhiên có thể gây hậu quả khó lường. Loài nấm sẽ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, tiêu diệt những côn trùng có ích, chẳng hạn như ong.
Giáo sư Leger nhấn mạnh rằng cần tiếp tục thực hiện nhiều nghiên cứu khác nhằm đánh giá tác động của loại nấm này trước khi quyết định có thả nó ra ngoài môi trường tự nhiên để diệt muỗi hay không.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.