Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm phương án đưa thực phẩm an toàn vào bếp ăn tập thể

Ngọc Quỳnh| 20/09/2022 16:25

(HNMO) - Từ tháng 9 đến nay, các trường học trên cả nước bắt đầu vào năm học mới, các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh với cường độ mạnh trước khi bước vào quý IV-2022. Để kết nối cung cấp nguồn cung thực phẩm an toàn ra thị trường, trong đó có các bếp ăn tập thể, Tổ điều hành Kết nối nông sản 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức Diễn đàn trực tuyến kết nối thực phẩm an toàn với các bếp ăn vào ngày 20-9.

Cần đẩy mạnh đưa thực phẩm an toàn vào các bếp ăn tập thể.

Tiềm năng lớn nhưng còn khó khăn

Phát biểu tại diễn đàn, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Toản cho biết, hiện nay, Việt Nam có khoảng 397 khu công nghiệp; 17,9 triệu học sinh phổ thông. Do đó, nguồn cung cung ứng thực phẩm rất quan trọng.

"Thực tế, việc tiếp cận, cung ứng lương thực, thực phẩm hằng ngày cho thị trường còn nhiều dư địa này là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng vô cùng cao cả. Đây không chỉ là trách nhiệm giao thương, mà còn là trách nhiệm với cộng đồng, xã hội", ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, với hơn 10 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của Hà Nội rất lớn. Trong khi đó, hiện nay, khả năng sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được 35-60% nhu cầu của người dân Thủ đô. Do đó, Hà Nội rất cần kết nối các mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn của các tỉnh, thành phố để bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho người tiêu dùng và các bếp ăn tập thể.

Tiềm năng tuy lớn nhưng việc cung cấp thực phẩm an toàn vào bếp ăn tập thể còn gặp nhiều khó khăn. Bà Trần Thị Nhị, đại diện Trường mầm non xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) cho biết, nhà trường đang tổ chức ăn bán trú tại trường cho 100% học sinh với gần 600 em. Nguồn cung ứng thực phẩm cho nhà trường chủ yếu là sản phẩm nông sản tại địa phương. Nhà trường tiếp nhận thực phẩm qua 2 hình thức là trực tiếp thu mua từ người dân và qua đầu mối thu gom. Nhà trường vẫn chưa thực hiện được công tác truy xuất nguồn gốc cho thực phẩm an toàn.

Là đơn vị chủ lực cung cấp thực phẩm trên địa bàn Hà Nội từ năm 2016, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Y dược - Thực phẩm Nam Hà Nội - Võ Việt Dũng cho biết, hiện nay, nhu cầu về thực phẩm sạch của người tiêu dùng rất lớn nhưng doanh nghiệp sản xuất bài bản, chuyên nghiệp lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Đơn vị ký với một bếp ăn hằng ngày tiêu thụ khoảng 500kg thịt nhưng bếp ăn đó chỉ lấy 100kg thịt của công ty, còn lại lấy từ nguồn khác.

Hơn nữa, do nhiều yếu tố, các nhà sản xuất thực phẩm đầu tư bài bản từ xây dựng nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị... đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe, rất khó cạnh tranh về giá so với các hộ gia đình nhỏ lẻ chưa đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

Các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường kiểm tra thực phẩm sạch đưa vào bếp ăn tập thể.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Đinh Thị Phương Khanh cho biết, tỉnh Long An đã đẩy mạnh sản xuất nông sản an toàn từ năm 2014 và có chương trình hỗ trợ cho đơn vị sản xuất, không chỉ phục vụ cho tỉnh, mà còn tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được hơn 20 chuỗi sản xuất an toàn gồm rau, củ , quả, thịt, cá.

Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 40% sản phẩm sản xuất an toàn tiêu thụ đúng kênh, còn lại là tiêu thụ đại trà. Tỉnh Long An mong muốn đưa nguồn thực phẩm an toàn vào các bếp ăn tập thể, các trường học.

"Để hỗ trợ các chuỗi nông sản an toàn, Sở đã có công văn gửi ngành Giáo dục - Đào tạo, giới thiệu với các trường để đưa vào bếp ăn cho học sinh. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn suất ăn ở các trường học, doanh nghiệp dưới 30.000 đồng, phổ biến chỉ từ 25-27.000 đồng/suất nên việc triển khai còn khó khăn", bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết thêm.

Xây dựng chuỗi cung ứng cho bếp ăn tập thể

Để nhiều thực phẩm sạch, an toàn đến với bếp ăn tập thể, theo bà Đặng Thị Ngoan - đại diện Khu công nghiệp Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), vấn đề truy xuất nguồn gốc nông sản là cần thiết, do đó, các ngành chức năng cần hỗ trợ các doanh nghiệp ký kết trực tiếp với nhà cung cấp suất ăn tập thể đúng quy trình. 

Ông Bùi Hoàng Hà - Giám đốc kênh Horeca - kênh chuyên cung ứng thực phẩm cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước yêu cầu nguồn thực phẩm phục vụ trường học bắt buộc có nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, thông tin cụ thể về quy trình sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, để các sản phẩm an toàn có nhiều cơ hội tiếp cận với các bếp ăn trường học...

Vẫn khó khăn khi đưa thực phẩm an toàn vào các bếp ăn tập thể.

Ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Quản lý chất lượng 2, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, để tạo chuỗi thực phẩm an toàn, cần sự liên kết sản xuất thông qua cam kết, hợp đồng về trách nhiệm, cùng nhau tạo ra sản phẩm an toàn từ trang trại tới bàn ăn. Như vậy, các cơ quan Nhà nước sẽ kiểm soát được an toàn thực phẩm trong toàn bộ quá trình sản xuất; truy xuất được nguồn gốc và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

Phát biểu kết luận diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh, cần xác định nguồn thực phẩm khi đưa vào trường học hay các khu công nghiệp bảo đảm truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, Việt Nam có nhiều đơn vị cung ứng vào bếp ăn tập thể. Để hoàn thiện chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, các đơn vị cần tự nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành sản xuất.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần minh bạch, nâng cao trách nhiệm trong cung cấp các suất ăn. Cụ thể là cần minh bạch dạng hình sản phẩm, quản lý chất lượng, không gian thị trường cạnh tranh giữa các đơn vị cung ứng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm phương án đưa thực phẩm an toàn vào bếp ăn tập thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.