Dù còn hơn một tháng nữa mới đến năm học mới nhưng ngay từ lúc này, việc chuẩn bị các điều kiện để bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học cần tiếp tục được đặc biệt quan tâm. Qua đó, có thể kịp thời ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn, góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe cộng đồng nói chung, an toàn sức khỏe học sinh nói riêng.
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng, toàn thành phố hiện có trên 3.550 bếp ăn tập thể trường học, khoảng 6.890 điểm kinh doanh thức ăn đường phố, đa phần tập trung quanh các trường học. Đó là chưa kể hàng nghìn bếp ăn tập thể tại doanh nghiệp, khu công nghiệp, bệnh viện, điểm kinh doanh thức ăn đường phố quanh ký túc xá, bến xe. Trong 6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng đã tiến hành 4.200 lượt thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành; qua đó phát hiện 68 bếp ăn tập thể vi phạm quy trình kiểm thực, điều kiện vệ sinh và xử phạt tổng số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. Có tới 20% nhân viên bếp ăn chưa chấp hành nghiêm quy định vệ sinh cá nhân, hơn 70% điểm bán thức ăn đường phố chưa truy xuất rõ nguồn gốc thực phẩm…
Những con số ấy cho thấy công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể nói chung, bếp ăn trường học nói riêng cần phải tiếp tục được quan tâm trong thời gian tới. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Nguyễn Quang Trung, thực tiễn kiểm tra cho thấy, có khá nhiều khó khăn trong việc kiểm soát tốt bếp ăn tập thể, do nhiều cơ sở bếp ăn còn nhỏ lẻ, thay đổi địa điểm thường xuyên, khó quản lý đồng bộ. Nhiều cơ sở không lưu đầy đủ hóa đơn chứng từ, gây khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Trong khi đó, chính quyền cơ sở ở một số nơi còn chưa xử lý vi phạm một cách kiên quyết.
Bên cạnh đó, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm mở rộng thủ tục cho đơn vị tự công bố sản phẩm, nhưng lại chưa có chế tài hậu kiểm đủ mạnh, đơn cử như không bắt buộc kiểm nghiệm định kỳ, dẫn đến dễ phát sinh gian lận. Công tác hậu kiểm, truy xuất nguồn gốc còn nhiều vướng mắc, một phần do chưa ứng dụng triệt để công nghệ số. Trong khi đó, dù tỷ lệ người chế biến có kiến thức an toàn thực phẩm đạt 83,6%, nhưng thực tế hành vi thực hiện chưa đồng đều, còn hình thức, chưa nền nếp. Một thực tế đáng lưu ý nữa, đó là người tiêu dùng, học sinh, phụ huynh còn chọn thực phẩm giá rẻ, bỏ qua yếu tố truy xuất nguồn gốc, dẫn tới rủi ro ngộ độc.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm thành phố, Sở Y tế đã ban hành quy trình kiểm thực, hướng dẫn, tập huấn, thanh tra chuyên ngành các bếp ăn tập thể trường học, suất ăn công nghiệp, dịch vụ ăn uống quy mô lớn. UBND các xã, phường phải cùng vào cuộc trong công tác quản lý, kiểm tra, xử phạt vi phạm. Ở cấp cơ sở, ban giám hiệu nhà trường, doanh nghiệp phải trực tiếp ký cam kết, giám sát quy trình kiểm thực, lưu mẫu, minh bạch hóa đơn, chứng từ nguyên liệu…
Sở sẽ tập trung thực hiện một số nhóm giải pháp trong thời gian tới. Một mặt khẩn trương rà soát, quản lý đầy đủ toàn bộ bếp ăn tập thể, điểm bán thức ăn đường phố quanh trường học, xử lý triệt để các bếp ăn tự phát, không phép; mặt khác, tăng cường kiểm tra đột xuất, công khai cơ sở vi phạm, đình chỉ hoạt động ngay nếu tái phạm. Cùng với đó, áp dụng công nghệ số, bắt buộc các đơn vị phải có mã QR truy xuất nguồn gốc, triển khai camera giám sát bếp ăn tập thể quy mô lớn. Đặc biệt, bên cạnh việc kiểm soát tốt bếp ăn tập thể, phải giao trách nhiệm cho UBND xã, phường trong việc kiên quyết xử lý hàng rong quanh cổng trường, bảo đảm an toàn sức khỏe học sinh.
Chia sẻ thêm về nội dung này, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và Thông tin truyền thông (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội) Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, cần có giải pháp truyền thông, bổ sung theo từng nhóm cụ thể.
Đối với chủ cơ sở, doanh nghiệp, phải tập huấn bắt buộc hằng năm, đẩy mạnh cam kết truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, xây dựng nhóm “Chủ cơ sở tự giám sát an toàn thực phẩm”, gắn trách nhiệm với chính quyền sở tại. Đối với học sinh, người tiêu dùng, cần tăng cường phát tờ rơi minh họa, clip nhận diện thực phẩm an toàn, kết hợp tổ chức chuyên đề ngoại khóa “Nói không với đồ ăn kém vệ sinh” tại trường học. Đối với cộng đồng, cần phát huy vai trò của tổ dân phố, hội phụ nữ, tổ chức Tổ giám sát an toàn thực phẩm cộng đồng, khuyến khích phản ánh vi phạm qua đường dây nóng.
Trong bối cảnh HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết, dành hơn 3.000 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ bữa ăn bán trú cho 100% học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố năm học 2025-2026, việc lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm uy tín, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm càng trở nên quan trọng. “Ngành Y tế Hà Nội cam kết hành động quyết liệt, phối hợp chặt chẽ các ngành, cấp cơ sở, bảo đảm bữa ăn an toàn cho học sinh, người dân”, ông Nguyễn Đình Hưng khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.