(HNMO) - Thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý trong 5 tháng đầu năm 2021 tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước nhờ kinh tế dần phục hồi và tăng thu từ ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Tuy nhiên, theo dự báo, dịch Covid-19 sẽ tác động không thuận lợi đến nguồn thu ngân sách trong những tháng tới. Vì vậy, ngành Thuế triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm thực hiện nhiệm vụ năm 2021.
Thu ngân sách tăng nhờ đà năm ngoái
Số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy, trong tháng 5-2021, thu ngân sách nhà nước do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 86.317 tỷ đồng, bằng 7,7% so với dự toán pháp lệnh, bằng 142% so với cùng kỳ năm 2020; lũy kế 5 tháng đạt 575.677 tỷ đồng, bằng 51,6% so với dự toán pháp lệnh, bằng 114,5% so với cùng kỳ.
Nếu loại trừ các yếu tố gia hạn thuế, những khoản tăng thu bất thường, đột biến trong 5 tháng đầu năm 2021 thì tổng thu do cơ quan thuế quản lý tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, số thu thuế, phí nội địa tăng 8,3%.
Theo Tổng cục Thuế, số thu ngân sách nhà nước trong 5 tháng qua tăng thu khá, chủ yếu do một số nguồn thu được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ trong năm 2020, một số ngành tăng trưởng nóng như: Ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô...
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng và huy động vốn năm 2020 đạt khá đã góp phần tăng lợi nhuận của khối ngân hàng thương mại dẫn đến số thuế thu nhập doanh nghiệp quý IV-2020 và nộp sau quyết toán của các ngân hàng tăng khoảng 4.500 tỷ đồng so với cùng kỳ. Hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn tăng làm tăng thu đột biến thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 5.000-6.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán và bất động sản tăng trưởng nóng trong những tháng qua cũng góp phần tăng thu từ lệ phí trước bạ nhà đất, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán và chuyển nhượng bất động sản…
Tìm nhiều giải pháp tăng thu
Mặc dù số thu tháng 5 chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, nhưng theo dự báo từ tháng 6 trở đi, đặc biệt là trong quý III-2021, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ tiếp tục tác động không thuận đến tình hình kinh tế - xã hội và thu ngân sách. Những khoản thu từ phát sinh kinh tế của năm 2020 và từ các hoạt động chuyển nhượng vốn, sáp nhập sẽ không còn phát sinh lớn.
Tổng cục Thuế dự báo, ước thu ngân sách tháng 6 là khoảng 57.500 tỷ đồng, bằng 5,1% dự toán pháp lệnh và bằng 80% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến, tháng 6 sẽ gia hạn thuế giá trị gia tăng khoảng 6.500 tỷ đồng. Như vậy, mức thu dự báo này thấp hơn khá nhiều so với số thu của tháng 5.
Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhìn nhận, mặc dù dịch đã xuất hiện tại một số khu công nghiệp lớn làm hoạt động sản xuất chịu tác động nhất định nhưng sau một thời gian ngắn, hầu hết các doanh nghiệp lớn, khu công nghiệp này đã hoạt động trở lại. Dịch bệnh làm chậm tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhưng hoạt động của lĩnh vực này cơ bản vẫn tiếp tục tăng trưởng và phát triển khá tốt.
Bên cạnh đó, những khoản thuế, tiền thuê đất được gia hạn sẽ phải nộp trong năm nay, vì vậy, không quá lo lắng về việc số thu ngân sách có thể giảm trong vài tháng tới. Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh tin tưởng, thu ngân sách nhà nước vẫn sẽ đạt mục tiêu đề ra.
Trong khi đó, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn yêu cầu các đơn vị tiếp tục bám sát tình hình; phân tích, đánh giá kỹ, đúng bản chất số thu ngân sách 5 tháng đầu năm; các khoản thu, sắc thuế thu đột biến để kịp thời có các giải pháp điều hành thu ngân sách nhà nước hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao.
Cùng với đó, ngành Thuế tiếp tục tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư, tăng thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề để tăng thu cho ngân sách nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.