(HNM) - Hàng loạt thương hiệu thời trang ngoại tràn vào TP Hồ Chí Minh tạo ra bức tranh phong phú về thời trang...
Một cửa hàng thời trang Việt tại TP Hồ Chí Minh. |
Thời gian qua, nhiều thương hiệu thời trang ngoại ồ ạt vào TP Hồ Chí Minh như H&M, Zara và sắp tới là Uniqlo - một hãng thời trang lớn ở Nhật Bản tuyên bố sẽ mở cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2019. Điều đó khiến “miếng bánh” thị phần thời trang tầm trung ở TP Hồ Chí Minh bị thu hẹp, không ít doanh nghiệp Việt lao đao.
Chị Nguyễn Cẩm Nhung, kinh doanh một cửa hàng thời trang ở quận Bình Thạnh, chia sẻ: "Sau 2 năm thương hiệu Zara có mặt tại TP Hồ Chí Minh và 1 năm H&M ra đời cửa hàng đầu tiên thì việc kinh doanh mặt hàng thời trang Việt ngày càng khó khăn hơn. Dù giá bán sản phẩm hàng nội rẻ hơn một nửa, thậm chí chỉ bằng 1/3 nhưng người tiêu dùng vẫn hướng đến hàng ngoại".
Để tồn tại và phát triển, các cơ sở kinh doanh trong nước buộc phải tìm lối đi riêng. Đơn cử, Công ty Thời trang Ami Fashion (quận 5) dù mới hoạt động từ năm 2016 nhưng đã có doanh thu tốt. Ông Nguyễn Chiến Hữu - Giám đốc điều hành công ty cho biết: "Nắm bắt tâm lý của khách hàng muốn may đo theo chỉ số riêng nên chúng tôi đã thực hiện chính sách may đo theo chỉ số vừa với cơ thể và rất được khách hàng yêu thích. Ngoài ra, mỗi tháng đội ngũ gồm 3 nhà thiết kế của công ty luôn giới thiệu đến công chúng 20 mẫu thiết kế mới, cập nhật xu hướng quốc tế áp dụng trên nền vải Việt Nam và kỹ thuật may thêu truyền thống, đã tạo nên bản sắc, hướng đi riêng".
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thùy Trang - người sáng lập thương hiệu thời trang nữ mặc ở nhà Emwear (quận 1, TP Hồ Chí Minh) cũng lựa chọn lối đi riêng. Sau hơn 6 tháng khảo sát thị trường, chị Trang nhận thấy sản phẩm kiểu dáng cũ, chất liệu rẻ và ít được đầu tư. Từ đó, chị bắt đầu kinh doanh dòng sản phẩm tự thiết kế với giá bán từ 600.000 đến hơn 1 triệu đồng/sản phẩm. Dù ngành thời trang hiện nay đang chịu sự cạnh tranh gay gắt bởi các thương hiệu ngoại, nhưng sau 2 năm kinh doanh thì lượng khách hàng cũ quay lại mua sản phẩm có thương hiệu Emwear ngày càng nhiều.
Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ phát triển ngành thời trang. Vào tháng 4-2018, tuyến phố thời trang đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh đã được xây dựng tại đường Nguyễn Trãi (quận 5), tập trung hơn 200 cửa hàng quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện.
Ông Trần Huy Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển kinh tế và cung ứng lao động quận 5 khẳng định: "Việc quy hoạch tuyến phố thời trang giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh và phục vụ khách du lịch. Hàng hóa đăng ký kinh doanh trong tuyến phố được kiểm soát chất lượng, thu hút người dân đến mua sắm nhiều hơn".
Trên thực tế, UBND TP Hồ Chí Minh đã có các giải pháp phát triển ngành thời trang thông qua đề án Xây dựng quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may, da giày đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã trình đề xuất lên UBND TP Hồ Chí Minh cho lập dự án xây dựng trung tâm thời trang và được UBND thành phố đồng ý. Trung tâm thời trang được xây dựng với mục đích có một khu vực quy mô đáp ứng các chức năng: Nhập nguyên phụ liệu may mặc, trung tâm đào tạo các nhà thiết kế, trung tâm biểu diễn thời trang và các hoạt động trưng bày, triển lãm, kết nối trong lĩnh vực may mặc".
Mới đây, TP Hồ Chí Minh vừa công bố 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2018-2020, trong đó có sản phẩm thời trang may sẵn gồm trang phục công sở, jeans, kaki, bộ com lê. Thành phố sẽ có những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ những nhóm sản phẩm này tiếp tục phát triển. Trong đó sẽ tập trung giải pháp hỗ trợ vấn đề mặt bằng, vốn, khoa học - công nghệ, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.