Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm lại âm thanh cồng chiêng cổ

ANHTHU| 14/11/2004 08:49

Tháng 5 . Mùa mưa ở Tây Nguyên. Những trận mưa xối xả làm đất đỏ ba zan trở nên nhão nhoét. Chiếc xe 15 chỗ ngồi chở 9 cán bộ của Viện VH-TT nhiều lần bị sa lầy, phải nhờ đến xe tải kéo , có khi cả đoạn đường dài. Ba cán bộ nghiên cứu và 6 kỹ thuật viên- họ được giao một nhiệm vụ quan trọng: ghi âm, thu hình và lấy tư liệu những hình ảnh chân thực nhất của hiện tại về cồng chiêng Tây Nguyên để đóng góp vào bộ hồ sơ trình  UNESCO xem xét công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đang ghi âm bài chiêng cổ của dân tộc Ê-đê Kpa

Tháng 5 . Mùa mưa ở Tây Nguyên. Những trận mưa xối xả làm đất đỏ ba zan trở nên nhão nhoét. Chiếc xe 15 chỗ ngồi chở 9 cán bộ của Viện VH-TT nhiều lần bị sa lầy, phải nhờ đến xe tải kéo , có khi cả đoạn đường dài. Ba cán bộ nghiên cứu và 6 kỹ thuật viên- họ được giao một nhiệm vụ quan trọng: ghi âm, thu hình và lấy tư liệu những hình ảnh chân thực nhất của hiện tại về cồng chiêng Tây Nguyên để đóng góp vào bộ hồ sơ trìnhUNESCO xem xét công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới.

Một tháng trời rong ruổi khắp những nẻo đường Tây Nguyên, đoàn đã tiếp xúc gần 10nhóm tộc người khác nhau ở 5 tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và đo được 15 bộ cồng chiêng cổ. So với con số 3.375 bộ chiêng (24.229 cái) thống kê được tại riêng Đắc Lắc thì đây là những bộ chiêng cổ tiêu biểu nhất đã được Sở VH-TT các tỉnh “ chọn mặt gửi vàng” để đoàn cán bộ Viện VH-TT quay phim, ghi âm, chụp ảnh. Tại mỗi buôn làng nơi họ đến, một lễ hội đã được chuẩn bị sẵn để diễn tấu cồng chiêng : Lễ hội đâm trâu, Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng bến nước, Lễ mừng nhà mới, Lễ cúng tháng của các dân tộc Ba Na, Ê Đê, Xê Đăng, Gia Rai, M’nông, Mạ , Chu ru... Mặc dù không phải mùa lễ hội, nhưng khi chóe rượu cần đã được khiêng ra, “ thứ rượu thơm chôn dưới đất, 8 ngày uống không lạt, 7 đêm uống không cạn, thứ rượu mà con ong trên núi cao, trong rừng sâu phải ghen tức vì mùi của nó ngọt và thơm hơn tất cả các thứ hoa đẹp nhất trong rừng” ( trường ca Đam San), khi các chàng trai “ quấn vào người một cái khố sặc sỡ như hoa Kơu”, các cô gái “ chít trên đầu một cái khăn màu hoa ême”, thì họ như lạc vào một thế giới khác- một thế giới được thanh âm cồng chiêng dẫn dắt, tràn ngập chất sử thi hùng tráng...

Một tháng điền dã vất vả và thú vị đã mang lại cho đoàn một khối tư liệu đồ sộ và họ có 4 tháng để phân tích , đánh giá, viết báo cáo, dựng phim, chú thích ảnh,... Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền phải nghe tất cả các bản nhạc cồng chiêng thu được và đo ra thang âm của 15 bộ cồng chiêng cổ (gần 100 chiếc). Anh than phiền: “Mỗi ngày mất 10 giờ nghe băng tiếng ! Có lúc phải nghe từ 10 giờ đến 3 giờ sáng trong điều kiện yên tĩnh nhất. Trong mùa hè nóng bức thì việc nghe cồng chiêng bằng Head Phone thật là hại thần kinh. Sau 5 tháng làm việc tôi đã bị sút đi 9 cân”. Nhưng kết quả công việc đã làm anh rất phấn khởi. Là học trò của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, anh đã tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu tìm hiểu qui luật vận động âm thanh của cồng chiêng từ góc độ âm nhạc học. Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá dân gian đã đề cậpđến môi trường văn hóa của cồng chiêng, diễn tả nó trong trong diễn xướng. Còn đi sâu phân tích âm nhạc cồng chiêng, thì GS.TS Tô Ngọc Thanh là người đầu tiên khai phá . Đi theo cách làm của thầy, Bùi Trọng Hiền đã khai phá “ một số vấn đề nho nhỏ” (theo cách anh nói) từ chuyến đi điền dã này.

Trong giới nhạc, ai cũng nhận thấy trong dàn cồng chiêng , mỗi nghệ nhân đánh một nốt nhạc, chứ không phải chơi cả bản nhạc. Họ đã kết hợp với nhau theo một qui luật riêng đểnghe ra một bản nhạc có giai điệu bè trên, giai điệu bè giữa và giai điệu bè trầm, có hòa âm đệm. Nghệ thuật kết hợp đó như thế nào, còn ít người để ý đến. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã cố gắng tìm hiểu kỹ và tìm ra mối quan hệ giữa các chiêng, nguyên tắc trong mối quan hệ đó để tạo nên bài bản của dàn cồng chiêng mà chúng ta nghe rất đầy đặn. Anh cho biết: “Trong thuật ngữ âm nhạc, người ta gọi đó là qui luật cấu thành giai điệu và phần đệm. Bên cạnh đó, thang âm của cồng chiêng cũng là điều rất thú vị và đặc biệt. Nó gần với hệ thống bồi âm của tự nhiên, chứ không giống vớiâm thanh của đàn T’rưng, K’lông pút hay dàn cồng chiêng cải tiến mà các bạn nghe trên vô tuyến hay các liên hoan nghệ thuật. Đó là thang âm Đồ – Rê - Mitheo âm nhạc phương Tây dùng cho piano hay ghi ta”. Khi nghiên cứu phương pháp kích âm của các nghệ nhân (cách đánh chiêng), Bùi Trọng Hiền cũng phát hiện ra nhiều điều lý thú.

Ví dụ người M’nông và người Mạ bao giờ cũng đấm chiêng chứ không dùng dùi gõ, các dân tộc Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng lại dùng dùi mềm để gõ, riêng dân tộc Ê Đê Kpa thì dùng dùi cứng để gõ. Mỗi kiểu kích âm lại cho ra hiệu quả âm thanh hoàn toàn khác nhau. Cồng chiêng Ê Đê nhịp điệu phức hợp, tốc độ nhanh, cường độ lớn. Họ đánh như thác đổ, như núi lở vớitriết lý tiếng chiêng phải khốc liệt cho đá phải chạy, núi phải lở để thần sầu quỷ khóc không làm hại con người. Còn cồng chiêng M’Nông cường độ không lớn mặc dù tốc độ khá nhanh, nhưng bản nhạc là một “cuộc đối thoại vui vẻ” giữa những cái chiêng. Khi cái này, cái kia gióng lên, đan xen, gọi đáp nhau. Tiếng chiêng của người Ba Na chậm rãi, hùng tráng. Người nghe có thể cảm nhận rằng đó là tiếng suối chảy, tiếng gió thổi, tiếng rừng cây xào xạc, tiếng các loài vật và trên hết là tiếng lòng của buôn làng Tây Nguyên. Khi đi sâu vào tìm hiểu kỹ thuật âm thanh, các nhà nghiên cứu đã hiểu thêm về thẩm mỹ của từng cộng đồng, chức năng của các bài chiêng trong các lễ hội, sự gắn bó của cồng chiêng với một vòng đời người ,...

Một trong rất nhiều vấn đề bức xúc trả lời cho câu hỏi Làm thế nào để bảo tồn vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền có nhận xét : “ Khi chúng ta đưa cồng chiêng vào văn nghệ quần chúng, nó đã bị cải biên đi ít nhiều. Người ta sân khấu hóa nó lên, kiểu gì nó cũng bị biến đổi chứ không còn được như nguyên gốc. Dù ít hay nhiều, các nhạc cụ dân tộc trong các đoàn nghệ thuật, tôi có thể khẳng định tất cả là nhạc cụ cải tiến. Bởi vì thang âm của chúng đều đã được chỉnh theo thang âm bình quân châu Âu. Những bản nhạc mới sáng tác nhưTây Nguyên bất khuất, Mùa xuân Tây Nguyên, Suối đàn T’rưng,.. đều dựa trên thang âm phương Tây. ở góc độ âm nhạc học, đó là việc làm chênh, làm phô đi, làm sai đi âm nhạc Tây Nguyên. Nhiều người hiểu nhầm đó là việc hiện đại hóa để hội nhập. Ở một buôn làng, các nghệ nhân mang bộ chiêng cải tiến ra đánh. Tôi phát hoảng và hỏi tại sao trong lễ hội lại không mang bộ chiêng cổ ra đánh, thì họ nói rằng đánh bộ chiêng cải tiến này mới gần với nhạc hiện đại và phù hợp với thời đại mới. Khi họ mang bộ chiêng cổ ra chơi, hiệu quả khác hẳn. Có một điều tai hại là khi chơi quen chiêng cải tiến , nếu quay lại chơi chiêng cổ , họ rất lúng túng. Tôi thấy cần phải có biện pháp gì đó để bảo tồn những bộ chiêng cổ với thang âm Tây Nguyên nguyên gốc, không thì âm nhạc Tây Nguyên cũng theo đó mà mất dần. Cái hồn của cồng chiêng Tây Nguyên cũng sẽ không còn nữa.”

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm lại âm thanh cồng chiêng cổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.