(HNM) - Kết quả một cuộc điều tra xã hội học của Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) cho biết, người di cư chiếm khoảng hơn 1/3 tổng số dân. Tuy nhiên, người nhập cư cũng làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội.
"Lợi" nhiều, nhưng "hại" không ít
Tiến hành tại xã Phú Diễn (huyện Từ Liêm), cuộc điều tra đã cho thấy, lao động di cư mang lại cơ hội phát triển cho vùng đất mà họ đến sinh sống. Với 13.689 người tạm trú trên địa bàn xã Phú Diễn, chỉ tính chi phí tối thiểu cho ăn, ở, sinh hoạt của một người là 800.000 đồng/tháng thì người di cư đã đóng góp cho xã thêm 131 tỷ đồng/năm. Không những thế, theo TS Lưu Bích Ngọc (Viện Dân số và các vấn đề xã hội), người di cư còn là nguồn lao động giản đơn, đặc biệt ở các nghề nặng nhọc, thu nhập thấp và nguy hiểm mà người dân thành phố không muốn làm, ví dụ như xây dựng, bốc vác, chuyên chở vật liệu xây dựng… Sự hiện diện của người di cư đã góp phần thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, làm cho việc cung cấp gas, đưa gạo, nước tinh khiết, rửa xe máy, ô tô... đến gần dân hơn. Sự có mặt của người di cư cũng đã góp phần điều tiết giá cả lao động trên thị trường lao động. Nếu không có họ, Hà Nội sẽ thiếu lao động trong các ngành xây dựng, may mặc… Người thành phố sẽ yêu cầu mức lương cao hơn rất nhiều để chấp nhận làm những việc trên. Khác với người dân sở tại, người di cư có thể làm bất cứ việc gì không trái pháp luật, bằng sức lao động của mình, miễn là họ thấy có được thu nhập phù hợp. Người di cư đến đông chính là cơ hội để phát triển kinh tế ở địa phương.
Để lao động di cư thực sự trở thành nguồn nhân lực bền vững đối với DN và xã hội, cần sự quan tâm, hành động của xã hội, chủ DN và đặc biệt là chính người lao động.
Ảnh: Quang Nhật
Tuy vậy, Hà Nội cũng phải hứng chịu những tác động tiêu cực về mặt môi trường, xã hội của luồng di dân này. Gia tăng dân số cơ học nhanh khi người di cư đến Thủ đô sinh sống, học tập, làm việc, đặc biệt là ở các quận, huyện đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, đã làm cho cơ sở hạ tầng trở nên quá tải. Các điều kiện về nhà ở, trường học, bệnh viện, điện, nước, đường phố và vệ sinh môi trường... không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Chưa có thói quen bảo vệ môi trường đô thị như bỏ rác vào thùng hay giữ vệ sinh đường phố, họ đã góp phần làm cho môi trường ngày càng ô nhiễm. Với tâm lý "ăn nhờ ở đậu", làm việc vất vả mà thu nhập cũng không cao so với người sở tại, họ không tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Xa gia đình, thiếu thốn tình cảm, họ dễ dàng vượt quá giới hạn cho phép theo các chuẩn mực văn hóa, xã hội trong các hành vi, lối sống.
Một đặc điểm của người di cư làm việc ở khu vực phi chính thức là hay thay đổi chỗ làm việc và chỗ trọ. Vì vậy, mặc dù Luật Cư trú năm 2006 đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người di cư đăng ký tạm trú, song rất nhiều người đã không thực hiện nghĩa vụ cũng như quyền lợi này. Điều này đã gây khó khăn cho công tác quản lý trật tự trị an tại địa phương. Theo nhận định của lãnh đạo công an các quận, huyện, người di cư cũng góp phần làm tệ nạn trộm cắp gia tăng. Khoảng 33% số người bị coi là tội phạm ở tỉnh ngoài đến, thậm chí, có quận, huyện tỷ lệ này trên 50%. Một cán bộ Công an huyện Từ Liêm cho biết: "Tội phạm ở huyện Từ Liêm khoảng 700 vụ/năm và 70% là người các tỉnh".
Cần một cơ quan quản lý người di cư
Di dân là một xu thế tất yếu. Chính sách quản lý di dân tốt tạo điều kiện cho người di cư có được sự thích ứng tốt nhất, để họ có điều kiện sống và làm việc tốt hơn, đóng góp tích cực hơn vào quá trình phát triển của thành phố.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm (Viện Gia đình và giới), trong tình hình công nghiệp hóa mạnh mẽ như hiện nay, việc thành lập một cơ quan quản lý nhà nước về lao động di cư tự do là cần thiết. Bà Tâm so sánh, hiện nay, với vài chục nghìn lao động xuất khẩu mỗi năm đã cần Cục Quản lý lao động ngoài nước. Thế mà, với hàng triệu lao động di cư tự do nội địa lại không có một đơn vị nào quản lý riêng về lĩnh vực này. Do không có một cơ quan nào tham mưu cho chính quyền các cấp trong việc xây dựng chính sách, quản lý người di cư nên các cách làm, các quyết định riêng rẽ của các tỉnh, thành phố tỏ ra manh mún và kém hiệu quả. Gần đây nhất, việc Đà Nẵng tạm dừng nhập hộ khẩu cho lao động nhập cư để rà soát lại chất lượng dân nhập cư nhằm đề ra những quyết sách trong tương lai đã gây ra những luồng ý kiến khác nhau là một ví dụ. Vì vậy, việc có một cơ quan quản lý thống nhất từ trung ương sẽ dễ dàng hơn cho việc giải quyết các vấn đề phát sinh của di cư ở cả nơi họ ra đi và nơi họ đến. Riêng Hà Nội, với hàng triệu lao động nhập cư, rất cần một phòng quản lý lao động nhập cư thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và hệ thống quản lý này ở cấp quận, huyện, xã, phường để quản lý, tham mưu chính sách cho các cấp chính quyền. Chỉ khi có một đầu mối chuyên nghiệp, vấn đề lao động nhập cư mới được quan tâm đúng mức và có cách nhìn cân bằng, thỏa đáng cho cả công tác quản lý, phát triển đô thị lẫn người di cư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.