Ngày 22-7, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phối hợp với Công ty CP sách Omega Việt Nam (Omega Plus) tổ chức tọa đàm “Kiến trúc Pháp - Đông Dương từ góc nhìn di sản”.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thạc sĩ Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết, tọa đàm nhằm giúp độc giả hiểu hơn về những di sản, giá trị văn hóa, lịch sử thông qua những câu chuyện về công trình kiến trúc Pháp - Đông Dương nổi tiếng tại Hà Nội như cầu Long Biên, Bưu điện Hà Nội, Nhà hát lớn Hà Nội..., qua đó, giới thiệu thêm về khối lượng tài liệu lịch sử mà Trung tâm đang lưu trữ.
Trung tâm Lưu trữ quốc gia I hiện quản lý, lưu giữ tài liệu về hơn 200 công trình kiến trúc Pháp. Đây là nguồn tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu, chuyên gia bảo tồn di sản, kiến trúc sư, sinh viên và những người yêu văn hóa, di sản, kiến trúc... tìm hiểu, nghiên cứu.
Tại tọa đàm, các nhà nghiên cứu lịch sử, chuyên gia văn hóa đã cùng thảo luận, chia sẻ về tầm quan trọng, vai trò và ý nghĩa của các di sản kiến trúc Pháp - Đông Dương đối với lịch sử của Hà Nội và trong đời sống hôm nay. Những công trình này chính là những di sản quý báu đã chứng kiến một thời kỳ đầy biến động, làm nên nét đặc trưng văn hóa của Thủ đô Hà Nội.
Trong khuôn khổ tọa đàm cũng đã giới thiệu cuốn sách “Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội” của nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến, do Nhà xuất bản Mỹ thuật, Omega Plus chịu trách nhiệm xuất bản từ năm 2022 và tiếp tục in nối bản nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp (20/4/1973-20/4/2023).
Với những tư liệu quý, hình ảnh bản thiết kế các công trình cùng lời thuyết minh bằng 3 ngôn ngữ: Việt - Pháp - Anh, cuốn sách “Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội” gồm 395 trang, khổ 20,8x27cm, hình thức trình bày đẹp mắt, tinh tế, đưa người đọc khám phá 37 công trình kiến trúc Pháp - Đông Dương ở Hà Nội. Bên cạnh các đối tượng khảo tả không mới như Nhà hát Lớn, cầu Long Biên (Doumer), Viện Pasteur, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Louis Finot)..., cuốn sách cũng cho độc giả biết thêm về các công trình lần đầu tiên được tiếp cận như ngôi nhà số 6 Hoàng Diệu hay tòa biệt thự 18 Tông Đản đều vừa tròn trăm tuổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.