Quy hoạch

Kiến trúc vì cộng đồng

Phương Thúy 24/06/2023 10:57

Với 20 công trình thể hiện trách nhiệm xã hội được xây dựng trong hơn 10 năm qua, tiêu biểu là “Không gian thân thiện BE”, kiến trúc sư (KTS) Đoàn Thanh Hà đã được trao giải Vasilis Sgoutas: Kiến trúc cho cộng đồng vùng nghèo, Giải thưởng UIA năm 2023 của Liên hiệp Hội Kiến trúc sư quốc tế.

Đây là hạng mục giải thưởng trao cho các kiến trúc sư có tinh thần dấn thân, chia sẻ trách nhiệm xã hội, hướng đến những người dân địa phương đang gặp nhiều khó khăn.

638227875456368265-34838725.jpg
Không gian thân thiện BE tại Mạo Khê (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).

Không gian thân thiện BE

Theo nhận Ban giám khảo Giải thưởng UIA năm 2023, KTS Đoàn Thanh Hà với các công trình như chuỗi vườn vệ sinh cho học sinh nghèo vùng cao, chuỗi nhà ở nhỏ cho cộng đồng dễ bị tổn thương, chuỗi không gian thân thiện trong khu đô thị ngột ngạt, không chỉ thể hiện sự tìm kiếm, đổi mới liên tục mà còn khẳng định “cam kết của kiến trúc sư trong việc tạo ra một kiến trúc đúng với vị trí của nó”.

Cụ thể, đó là việc sử dụng các vật liệu địa phương cùng những kỹ năng, tri thức bản địa và sự tham gia của người dân trong việc xây dựng công trình, từ đó giúp cho họ có thêm những trải nghiệm về thiết kế, xây dựng cũng như làm chủ không gian sống của mình, thấu hiểu các vật liệu thân thiện với môi trường mà có thể bấy lâu nay bị lãng quên do quá trình bê tông hóa, đô thị hóa diễn ra một cách nhanh chóng, ồ ạt.

Ban giám khảo đã đánh giá cao “Không gian thân thiện BE”, được xây dựng tại thị trấn Mạo Khê (nay là phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), vốn là một thị trấn mỏ đông dân đang bị "bóp nghẹt" bởi quá trình đô thị hóa. Tổng thể công trình là một bức tường bằng đất chạy dài 80m, ngoằn ngoèo theo hình zích zắc như một con rắn, tạo nên những không gian “nhập nhằng” giữa sự chia cắt/ cách biệt và sự hợp nhất/ hòa đồng. Công trình này được tạo dựng với hai vật liệu chính là tre và đất: Đất đồi được nghiền mịn và trộn với phụ gia, sau đó đầm kỹ bằng máy đầm nhỏ để tăng độ cứng và tăng khả năng chịu nước cho tường. Tre dùng để làm mái bằng cách xếp thành hai lớp dày, có khoảng đệm để giảm bức xạ nhiệt và điều tiết ánh sáng.

Tre và đất là vật liệu chính trong những không gian sống và sinh hoạt của cha ông ta từ muôn đời, trước khi có thêm gỗ - vốn được dùng nhiều ở những công trình lớn như cung điện, đền, chùa. Tuy vậy, sự hiện diện của tre và đất dường như khá mờ nhạt trong cuộc sống hiện nay khi bê tông, cốt thép đang chiếm ưu thế chủ đạo trong những công trình xây dựng dù lớn hay nhỏ, dù ở thành thị hay nông thôn.

“Tre và đất là những vật liệu có nguồn gốc nguyên thủy, rất quen thuộc bởi ai cũng biết. Con người là một phần tự nhiên. Việc sử dụng các vật liệu thân thiện trong kiến trúc cũng giống như nỗ lực để hài hòa mối quan hệ giữa con người và tự nhiên trong bối cảnh chúng ta đang bê tông hóa rất nhiều. Không gian ấy phải thân thiện nhất, bằng cấu trúc, vật liệu gần gũi nhất” - KTS Đoàn Thanh Hà nói.

638227875461048745-doan-tha.jpg
KTS Đoàn Thanh Hà.

Hành trình thử nghiệm

Ý tưởng về chuỗi không gian thân thiện của KTS Đoàn Thanh Hà bắt nguồn từ năm 2008 khi anh tham gia cuộc thi FuturArc - giải thưởng thường niên của tập đoàn BCI Asia (Singapore) dành cho những ý tưởng, giải pháp vì một tương lai bền vững. Đồ án “Trung tâm cộng đồng gốm xanh” đã đoạt giải Nhất cuộc thi này vào năm 2009, mở ra cho anh cơ hội cũng như ý tưởng thiết kế những không gian mở để phục vụ cộng đồng, “cung cấp những khoảng thở, khoảng nghỉ trong bối cảnh kiến trúc đô thị bị dồn nén, khiến con người bị cuốn vào vòng xoáy của đời sống vật chất mà xa dần khía cạnh văn hóa tinh thần”.

Hiện thực hóa suy nghĩ đó, BES pavilion tại thành phố Hà Tĩnh là dự án xây dựng “Không gian thân thiện trong đô thị ngột ngạt” đầu tiên mà KTS Đoàn Thanh Hà và Văn phòng kiến trúc H&P thực hiện năm 2013. Công trình được xây dựng bởi 3 loại vật liệu cơ bản: Tre, đất và đá. Đáng lưu ý, nếu như trước đây tường đất chỉ có tác dụng bao che bên ngoài, còn chịu lực vẫn là hệ cột bằng gỗ bên trong thì với công trình BES pavilion, tường đất đã được cứng hóa, có thể đứng độc lập, chắc chắn, khả năng chịu lực cao. Để làm được công trình này, người làm nghề cũng phải học hỏi kinh nghiệm từ người dân, đối thoại với nhân công địa phương trong việc đưa ra phương án thiết kế, thi công hợp lý nhất, phù hợp với điều kiện khí hậu ở nơi đó.

Sau thử nghiệm đầu tiên với BES pavilion tại thành phố Hà Tĩnh và không gian thân thiện BE (Quảng Ninh) là sự ra đời của những công trình như hồi sinh công viên mỏ Mạo Khê (Quảng Ninh), cụ thể là dỡ bỏ hàng rào ngăn cách và tái sử dụng các vật liệu này để tạo nên hình hài mới cho công viên; Không gian S (Hà Nam) - tận dụng đá thải loại từ làng nghề và công trường xây dựng để tạo nên không gian phục vụ cộng đồng...

Những dự án này không chỉ là cơ hội thử nghiệm, thực hành kiến trúc mà theo như KTS Đoàn Thanh Hà chia sẻ, nó càng làm rõ hơn, vững tin hơn về con đường đi của mình, kiến trúc gắn với trách nhiệm xã hội, sự bền vững trong cách tiếp cận vấn đề. “Chúng ta cần phải có trách nhiệm với lối sống của mình, cần phải có trách nhiệm xã hội thông qua những vật liệu hoặc chính những thứ chúng ta tạo ra để phục vụ cuộc sống con người” - Đoàn Thanh Hà cho biết.

Kiến trúc và trách nhiệm xã hội

Đáng lưu ý, trong hơn 10 năm qua, KTS Đoàn Thanh Hà cùng các cộng sự của mình đã hoàn thành hơn 20 dự án có trách nhiệm xã hội, với sự hỗ trợ kinh phí từ quỹ Architecture & Social Responsibility Foundation (ASR) do anh khởi xướng. Nguồn thu của quỹ đến từ những dự án khác mang tính thương mại cao hơn do chính anh và các cộng sự thiết kế. Anh cũng kết nối và phối hợp với các tổ chức phi chính phủ, trường học, nhóm hoạt động xã hội, người dân địa phương... cùng chung tay thực hiện dự án cho những cộng đồng dễ bị tổn thương, nhằm đáp ứng các hoạt động sống thiết thực của người dân; cải thiện chất lượng cuộc sống và bù đắp sự thua thiệt về nhiều mặt của họ.

Đoàn Thanh Hà luôn lắng nghe và không bỏ qua cơ hội thực hành kiến trúc, dù đó chỉ là những công trình nhỏ theo cách nghĩ thông thường. Những thử nghiệm ấy của anh không tìm kiếm sự hoàn hảo mà đưa ra những giải pháp phù hợp với nhu cầu sử dụng, với nơi chốn, bằng cách tìm ra những biểu hiện mới cho những vật liệu quen thuộc, khẳng định tư tưởng sáng tạo của kiến trúc sư: Kiến trúc cho người có thu nhập thấp không hề nhàm chán, đơn điệu và chất lượng thấp.

KTS Nguyễn Luận - chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch cho rằng: “Với các công trình sinh hoạt cộng đồng ở đô thị, điều cần chú ý là quy mô công trình không lớn, nếu tạo hình gồm nhiều khối nhỏ thì dễ rơi vào manh mún, khó đứng vững trong cảnh quan đô thị vốn xô bồ và tự phát. Nhưng nếu xuất hiện ở nông thôn khoáng đạt hay rừng núi mênh mông, chúng dễ đạt được hiệu quả độc tôn, làm nên vẻ đẹp tự thân - thể hiện triết cảm thẩm mỹ của người làm nghề. Do vậy, có thể coi đó là những thử nghiệm tự thân của Đoàn Thanh Hà, được thực hiện bởi sự trân trọng các giá trị truyền thống, đóng góp vào thành quả của những thế hệ đi trước với quan điểm “Kiến trúc vị dân sinh”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiến trúc vì cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.