(HNMO) - Thời gian qua, mặc dù đã được quan tâm, song công tác phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, về tổng thể chưa đáp ứng nhu cầu cao của người dân và các hoạt động kinh tế đô thị, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thu gom và xử lý chất thải rắn, thoát nước, xử lý nước thải.
Tại hội thảo chuyên đề "Phát triển hệ thống hạ tầng và chỉnh trang tái thiết đô thị" - hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện hướng tới Hội nghị đô thị toàn quốc 2022 do Bộ Xây dựng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 16-11, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp nhằm tăng “sức đề kháng” cho đô thị.
Hạ tầng kỹ thuật đô thị còn bất cập
Khẳng định kết cấu hạ tầng đô thị, trong đó đặc biệt là hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đóng vai trò quan trọng, là cơ sở nền tảng để bảo đảm phát triển đô thị theo hướng bền vững, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật đô thị (Bộ Xây dựng) Mai Thị Liên Hương cho biết, để có được đô thị như ngày nay, các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc đã dành những khoản đầu tư rất lớn để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị một cách đồng thời và nhất quán với phát triển đô thị. Đây cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng đô thị, góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội, cải thiện chất lượng sống của người dân.
Tại Việt Nam, mặc dù đã được các cấp quan tâm đầu tư, song nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn ngân sách và chưa có cơ chế phù hợp để thu hút, huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư hạ tầng; vì vậy, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị về tổng thể vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Ô nhiễm môi trường còn nhiều bức xúc, xử lý chất thải, thoát nước và tình trạng ngập úng tại các thành phố lớn xử lý chậm...
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Mậu (Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ) chia sẻ, các đô thị đang ngày càng dễ bị tổn thương hơn do thiên tai. Mưa lớn và ngập lụt đô thị đang ngày càng phổ biến và gia tăng trong mùa mưa. Một trận mưa to khoảng 1-2 tiếng ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cũng có thể gây ngập nhiều khu vực đô thị; một trận nắng nóng kéo dài cũng gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe của người dân và độ bền của công trình... "Việc phát triển đô thị cũng tác động cực đoan đến khí hậu, làm gia tăng hiện tượng đảo nhiệt đô thị, cực trị/cực đoan nhiệt độ và biên độ nhiệt ngày càng gia tăng; mạnh: Gia tăng cực đoan gió mạnh tại các khu vực nội đô... Đặc biệt, các đô thị ven biển, còn chịu tác động do các thiên tai khác như nước biển dâng, gió mạnh, sóng lớn... Nếu mực nước biển dâng 100cm, có đến 38,9% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập vĩnh viễn", ông Mậu nói.
Tăng sức đề kháng cho đô thị
Chia sẻ kinh nghiệm chính sách thoát nước của Nhật Bản, ông Norihide Tamoto, chuyên gia JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) cho biết, chính sách thoát nước của Nhật Bản có nhiều khía cạnh khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, trong đó có các chính sách về quản lý tài sản công, môi trường, quản trị tài chính, phát triển đô thị bền vững.
Chuyên gia Nhật Bản khuyến nghị, Việt Nam cần xây dựng các quy định thiết lập nguyên tắc tài chính, thu phí từ người sử dụng (phí đối với nước thải) cũng như cơ chế hỗ trợ tài chính từ Nhà nước để đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải; quy định các giải pháp phòng, chống thiên tai, úng ngập toàn diện theo lưu vực sông; phát triển các công trình lưu trữ nước...
Để có thể tăng sức đề kháng và thích ứng cho hệ thống đô thị, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, đã đến lúc Việt Nam phải chú trọng nâng cao chất lượng đô thị, thay vì bằng mọi cách (kể cả vay mượn các chỉ tiêu) để nâng cấp, mở rộng diện tích và quy mô đô thị. Các đô thị nhỏ, phi tập trung, mật độ dân cư thấp cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng văn minh, hiện đại được kết nối với nhau bởi hệ thống giao thông và đường cao tốc Bắc - Nam, sẽ là động lực phát triển kinh tế bền vững của địa phương, của vùng và cả nước.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Đăng Mậu cho rằng, Việt Nam cần rà soát, cập nhật và sửa đổi các văn bản luật, chính sách phù hợp với các thỏa thuận quốc tế, tình hình trong nước trong giai đoạn mới; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cơ bản về khí hậu đô thị, xây dựng cơ sở dữ liệu khí hậu đô thị trực tuyến phục vụ công tác quy hoạch và thiết kế đô thị; tăng cường quan trắc khí hậu đô thị, giám sát và cảnh báo thiên tai đô thị, trong đó, ông Mậu cho rằng, mô hình quan trắc mưa tự động mà Hà Nội đang thực hiện nên được nhân rộng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.