(HNM) - Ô nhiễm nguồn nước không chỉ đe dọa sức khỏe của con người mà còn làm giảm năng suất cây trồng, ảnh hưởng chiến lược phát triển nền nông nghiệp sạch, an toàn. Kiểm soát, chống ô nhiễm nguồn nước đang là vấn đề cấp bách của các cấp, các ngành hiện nay.
Theo Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội), hiện nay trên địa bàn thành phố có 1.511 điểm xả nước thải, trong đó 778 điểm xả nước thải công nghiệp, khu đô thị, sản xuất làng nghề, sản xuất nông nghiệp, bệnh viện và 733 điểm xả nước thải sinh hoạt vào hệ thống công trình thủy lợi. Đáng chú ý, trong đó chỉ có 8 điểm xả thải đạt tiêu chuẩn và được cấp giấy phép. Việc xả thải này không chỉ làm giảm tuổi thọ công trình thủy lợi, giảm năng suất cây trồng, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm mà còn đe dọa sức khỏe của người dân…
Căn cứ kết quả giám sát chất lượng nước trong tháng 12-2017, Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo các địa phương trong lưu vực về chất lượng nước sông Nhuệ không đủ điều kiện dùng cho tưới, tiêu thủy lợi và bảo tồn động vật, thủy vật thủy sinh... Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đánh giá việc sử dụng nước nhiễm các chất ô nhiễm dài ngày sẽ dẫn đến nhiều bệnh, trong đó, asen là tác nhân gây bệnh ung thư da và ung thư phổi; sắt, amoni dễ làm cho thực phẩm biến chất, thay đổi màu sắc, mùi vị, giảm khả năng tiêu hóa và hấp thu các loại thực phẩm… Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm cả nước có khoảng 9.000 người tử vong và hơn 200.000 trường hợp ung thư được cho là có liên quan đến sử dụng nguồn nước ô nhiễm...
PGS.TS Vũ Thị Thanh Hương (Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường - Bộ NN&PTNT) cho rằng, giải pháp đặc biệt quan trọng là phải thực hiện cơ chế giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước. Bởi trên thực tế những hoạt động này của nước ta còn chưa rõ ràng, thiếu sự thống nhất. Các cơ quan chức năng và có trách nhiệm trong việc giám sát, quản lý xả thải từ khâu cấp phép đến khâu tham gia, giám sát và xử lý hậu quả còn lúng túng, thiếu nguồn lực, thiếu công nghệ và thiếu sự phối hợp với địa phương, nhất là thiếu sự tham gia của người dân nên không phát hiện, kiểm soát kịp thời chất thải và công nghệ thải... Vì vậy, để tăng cường năng lực giám sát xả thải của các cơ sở sản xuất, các cơ quan liên quan cần xây dựng chính sách để người dân tham gia. Bởi người dân chính là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất trước tác hại từ môi trường. Bên cạnh đó, cần có mức xử phạt cao và nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm...
Về giải pháp kỹ thuật, ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: Cần xã hội hóa việc quan trắc lưu lượng, chất lượng nước thải, nghĩa là các cơ sở xả nước thải, khai thác nước sẽ phải tự đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, phân tích chất lượng nước thải và kết nối tự động trực tuyến hoặc nhập số liệu quan trắc định kỳ vào hệ thống giám sát chung do Nhà nước đầu tư. Từ đó, tạo thành hệ thống thống nhất giữa trung ương, địa phương, thậm chí trên từng lưu vực sông. Các cơ quan quản lý sẽ theo dõi, phát hiện kịp thời các trường hợp không tuân thủ pháp luật.
“Nếu chúng ta sớm đưa cơ chế giám sát này vào thực thi sẽ có tác dụng ngăn ngừa, hạn chế tình trạng không tuân thủ trong việc xả nước thải và việc vận hành bảo đảm dòng chảy tối thiểu, gây ô nhiễm, cạn kiệt các dòng sông như hiện nay”, ông Hoàng Văn Bẩy nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.