(HNMO) - Sáng 11-11, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Hội thảo "Đánh giá kết quả phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016-2020, định hướng giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo" với sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý du lịch, chuyên gia nghiên cứu du lịch, đơn vị lữ hành.
Hội thảo nhằm đánh giá lại 5 năm triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, đồng thời tìm những giải pháp cho du lịch Thủ đô sớm phục hồi sau đại dịch Covid-19 cũng như cách thức để du lịch Thủ đô phát triển bền vững.
Thách thức và cơ hội
Theo Sở Du lịch Hà Nội, sau giai đoạn "phát triển vàng" của du lịch Thủ đô (2016-2019) khi đón gần 29 triệu lượt khách vào năm 2019 thì dịch Covid-19 xuất hiện khiến mức độ tăng trưởng của ngành du lịch bị sụt giảm nghiêm trọng. Năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội giảm 70%, tổng thu từ khách du lịch giảm 73%, công suất bình quân khối khách sạn giảm 38% so với năm 2019. Năm 2021, ảnh hưởng của dịch Covid-19 tiếp tục "kéo" ngành Du lịch Thủ đô rơi vào khủng hoảng khi có đến 90% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động, 95% lực lượng lao động tạm thôi việc hoặc chuyển sang lĩnh vực khác.
Bên cạnh những nỗ lực vượt khó, dịch Covid-19 cũng khiến cho du lịch Thủ đô bộc lộ những hạn chế, điểm yếu. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang thẳng thắn nhìn nhận, các sản phẩm du lịch tuy được bổ sung mới, nâng cấp chất lượng, song so với các trung tâm du lịch lớn trong nước và trong khu vực còn thiếu sự hấp dẫn. Chất lượng dịch vụ tại một số điểm đến du lịch văn hóa chưa cao; thiếu cơ chế phối hợp giữa các ngành liên quan với ngành du lịch trong việc bảo tồn, khai thác, phát huy tài nguyên, nâng cấp điểm du lịch.
Ngoài ra, theo bà Đặng Hương Giang, hệ thống cơ sở lưu trú chưa đồng bộ; thiếu doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt thị trường du lịch quốc tế; ứng dụng công nghệ thông minh, chuyển đổi số còn chậm triển khai; tiến độ một số dự án lớn phát triển du lịch còn chậm dẫn đến thiếu các khu, điểm vui chơi giải trí lớn, tầm cỡ, mang thương hiệu du lịch Thủ đô...
Từ những hạn chế này, Sở Du lịch Hà Nội cũng cho rằng, dịch Covid-19 như một "cú hích" để du lịch Thủ đô có thể "thay máu", nhanh chóng chuyển đổi để phục hồi. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhận định, đây là cơ hội để Hà Nội nhìn nhận lại điểm mạnh, yếu cũng như xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp để dần phục hồi.
Cần mạnh dạn chuyển đổi
Đóng góp cho việc phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô, trước mắt, các đại biểu cho rằng, Hà Nội cần tập trung vào những sản phẩm thế mạnh, rõ tính đặc trưng. Ngoài du lịch văn hóa, làng nghề, Hà Nội có thể đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện), du lịch sinh thái, cộng đồng...
PGS.TS Phạm Trung Lương cho rằng, Hà Nội cần cơ cấu lại sản phẩm du lịch trước những thay đổi về thói quen du lịch của du khách, khi mà du lịch tự túc, theo hình thức nhóm nhỏ, gia đình sẽ là chủ đạo.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ban cố vấn Hiệp hội Du lịch Việt Nam Trương Minh Tiến góp ý thêm, Hà Nội cần lựa chọn, đầu tư phát triển các sản phẩm đặc trưng, ví dụ như cần có sự lựa chọn những làng nghề tiêu biểu, phù hợp đón khách du lịch chứ không nên phát triển du lịch làng nghề ồ ạt. Bên cạnh đó, Hà Nội cần nâng cấp hạ tầng du lịch, như các tuyến đường vào khu du lịch; có chỉ dẫn về điểm dừng xe cho các tour, tuyến; quy hoạch hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các khu du lịch.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lưu, chuyên gia du lịch bày tỏ, một trong những giải pháp quan trọng là Hà Nội cần quan tâm đến việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động du lịch bằng cách kiểm kê lại lực lượng lao động, từ đó có chương trình đào tạo phù hợp. Ở góc độ lữ hành, Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng cho rằng, các đơn vị lữ hành, điểm đến của Hà Nội cần tăng trải nghiệm cho khách hàng, kích thích nhu cầu chi tiêu của du khách bằng cách tăng các sản phẩm, quà tặng chất lượng.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đánh giá, dù gặp khó khăn nhưng Hà Nội vẫn là một trong hai trung tâm du lịch lớn của cả nước. Để tăng tính hấp dẫn cho du lịch Thủ đô thì bên cạnh việc xây dựng sản phẩm mang tính đặc thù, tăng cường quảng bá thì du lịch Hà Nội cần phải đẩy mạnh việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào các hoạt động du lịch.
Sau hội thảo này, Sở Du lịch sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo "Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo và dự thảo Nghị quyết về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo để trình UBND thành phố Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.