Hà Nội kết nối

Tìm giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Minh Điền 15/05/2024 - 14:11

Đó là nội dung hội thảo do Báo Sài Gòn Giải phóng phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ và Viện Nghiên cứu - Phát triển Kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức tại Cần Thơ ngày 15-5.

a99a.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hoàng Hùng.

Tham dự hội thảo có hơn 200 đại biểu là lãnh đạo thành phố Cần Thơ, đại diện các đơn vị tổ chức cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu của nhiều địa phương, đơn vị, trường đại học phía Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng Tăng Hữu Phong thông tin vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)vừa là “vựa lương thực” của cả nước, vừa là “giỏ thực phẩm” của toàn cầu.

Tuy nhiên, ĐBSCL lại đang là khu vực bị biến đổi khí hậu tác động tiêu cực. Ngay trong mùa khô 2023-2024, miền Tây đã và đang phải đối mặt với sụt lún, sạt lở đất; thiếu nước sản xuất, sinh hoạt… rất nghiêm trọng. Cả vùng hiện có hơn 800 khu vực sạt lở với tổng chiều dài hơn 1.000km; trung bình mỗi năm mất từ 300 đến 500ha đất do lở bờ sông, bờ biển.

Những vấn đề này làm hơn 50.000 hộ dân ở Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu nước sinh hoạt; gần 1.000 tuyến đường, bờ kênh, nhà ở, kho xưởng, cầu giao thông bị hư hỏng, đổ sập do sụt lún, sạt lở; hàng ngàn ha rau màu bị thiếu nước tưới, chết khô; hàng trăm ha rừng bị cháy rụi…

a98a.jpg
Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng Tăng Hữu Phong phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Hùng.

“Theo dự báo, mức độ tác động và những con số thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra với ĐBSCL sẽ còn tăng lên khủng khiếp trong tương lai, nếu ngay lúc này chúng ta không có các giải pháp căn cơ, cấp thiết…”, ông Tăng Hữu Phong nói.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Sỹ, Phó cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thông tin Bộ đã và đang xây dựng được các chính sách liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu cho ĐBSCL. Theo đó, sẽ có các hoạt động như điều tra đánh giá các nguồn nước dưới đất; phát triển các trung tâm về nông nghiệp, phát triển vùng nguyên liệu hướng đến phát triển bền vững, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp; xây dựng các công trình giao thông đường bộ, đường thủy, chú trọng các khu vực dễ bị tổn thương.

"Cần quy hoạch vùng nuôi trồng tạo sinh kế cho người dân theo phân vùng nước mặn, lợ, ngọt nhưng phù sa bồi lắng sẽ làm nghẽn dòng chảy tự nhiên. Về lâu dài, cần tìm cách sống được khi không có phù sa, Tổng quan, cần ngăn mặn cũng như tìm cách lưu trữ nước ngọt hiệu quả. Tránh tình trạng 6 tháng mùa mưa dùng xả láng, còn sau đó xâm nhập mặn vào sâu nội địa…” ông Phạm Văn Sỹ đề xuất.

Còn theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, thực tế thời gian qua cho thấy, phù sa mầu mỡ cho miền Tây có lẽ đã thành chuyện dĩ vãng. Mùa nước nổi cũng ngắn hơn, về muộn hơn trước kia. Điều này cho thấy cần có chiến lược tổng thể quốc gia về thích ứng với sự thay đổi môi trường tự nhiên trên quy mô lớn.

Mỗi địa phương trong vùng cũng phải chủ động thích ứng để phát triển… “Trong đó, trữ nước ngọt rất quan trọng. Cần có chiến lược quốc gia về trữ nước ngọt cấp khu vực; quy hoạch ổn định những khu dân cư đang có nguy có sạt lở cao vì sinh sống ven kênh rạch như hiện nay”, ông Trần Thái Nghiêm đề xuất.

PGS. TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh khuyến nghị ĐBSCL cần đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn; lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào kế hoạch, quy hoạch vùng/địa phương… để toàn vùng phát triển bền vững.

a97a.jpg
Bí thư Thành ủy thành phố Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Hùng.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy thành phố Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu nhận định những thách thức mà ĐBSCL đang đối mặt không chỉ ảnh hưởng tới vùng, mà còn ảnh hưởng đến cả quốc gia. Vì vậy, ngay lúc này cần phải có giải pháp cấp bách, căn cơ, kịp thời để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.