Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm đường cho ô tô thương hiệu Việt

Hồng Sơn| 27/08/2014 06:35

(HNM) -


Xuất phát muộn nhưng "chạy" chậm

Mặc dù được đặt nền móng từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, song phải đến năm 2000 Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) mới ra đời, với 17 thành viên gồm các liên doanh với nước ngoài và DN nội địa, chính thức hình thành ngành công nghiệp ô tô nước ta. Ngay từ "thuở ban đầu", các cơ quan hoạch định chính sách đã đưa ra những ưu đãi nhằm khuyến khích hoạt động sản xuất ô tô, qua đó hiện thực hóa kỳ vọng ngành sản xuất ô tô Việt Nam đích thực. Biện pháp chủ yếu là đưa ra mức thuế nhằm bảo hộ DN trong nước, lộ trình mở cửa thị trường cho xe nhập ngoại cũng được kéo dài đến tối đa để hỗ trợ DN lắp ráp ô tô trong nước.

Ô tô thương hiệu Việt vẫn là “giấc mơ” của người tiêu dùng Việt Nam. Ảnh: Sơn Hà


Được hưởng sự ưu ái như vậy, đáng lẽ ra các DN phải chủ động phát triển theo hướng tăng cường đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, nói một cách nôm na là phải "mau lớn", đủ sức cạnh tranh với DN ngoại. Nhưng, thực tế đã không như vậy. Cụ thể, khi đăng ký hoạt động thì DN nào cũng cam kết tự giác thực hiện nội địa hóa với tốc độ cao và sẽ góp phần xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam... Nhưng đến nay, hầu hết loại xe du lịch cá nhân (4-5 chỗ) lắp ráp trong nước đều có tỷ lệ nội địa hóa chưa vượt quá 15%, thậm chí có những nhãn xe (ngoại) lắp ráp trong nước, linh kiện nội địa duy nhất chỉ là chiếc ắc quy! Rõ ràng các DN đã không thực hiện hết cam kết của mình trong khi được hưởng chính sách bảo hộ của Nhà nước để "đứng chân" trong một thị trường được đánh giá là đầy tiềm năng với hơn 90 triệu dân, có nhu cầu dùng cao ô tô. Và như đã nói, do được bảo hộ về thuế nên giá xe trong nước cũng cao ngất ngưởng, quá tầm với ngay cả với tầng lớp người tiêu dùng trung lưu. Đáng nói là mặc dù giá xe rất cao, thậm chí cao hơn rất nhiều so với giá xe ở các nước trong khu vực và trên thế giới, song phần lớn người tiêu dùng, nếu không muốn nói là tất cả, đều khẳng định chất lượng xe lắp ráp trong nước không thể so sánh với xe cùng loại nhập khẩu. Và đó là lý do làm nảy sinh sự thất vọng của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, do thiếu chính sách, cơ chế hợp lý đối với ngành sản xuất ô tô nên thị trường trong nước bị xé lẻ, thiếu tính cạnh tranh toàn diện, không thể thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Nói cách khác, DN nội mất cơ hội trở thành nhà cung cấp phụ tùng cho nhà lắp ráp. Vì vậy, đến nay phần lớn DN nội vẫn chỉ đảm nhận được một số công đoạn hoặc kỹ thuật đơn giản như sơn vỏ xe, làm khung và bọc ghế ngồi, cung cấp dây điện, săm lốp…

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam xuất phát sau nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và các nước này nhìn chung hiện đã đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 50% giá trị xe. Và lẽ ra đi sau thì phải tận dụng cơ hội để tăng tốc, song ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển quá chậm và kết quả chưa như mong đợi. Cụ thể là sau gần 15 năm vẫn chưa sản xuất nổi một chiếc ô tô mang thương hiệu Việt đúng nghĩa.

Ba mục tiêu chính của chiến lược: Sản xuất, lắp ráp xe trong nước; xuất khẩu ô tô và phụ tùng; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Đến năm 2020 đáp ứng 30-40% về giá trị; cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô; chế tạo một số chi tiết ô tô; từng bước tham gia việc cung ứng linh kiện, phụ tùng ô tô cho thị trường thế giới. Từ 2021-2025 đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; đáp ứng 40-45% về giá trị. Giai đoạn 2026-2030 tiếp tục phát triển về quy mô sản lượng và chủng loại sản phẩm, đáp ứng trên 50% về giá trị…

Thị trường vẫn lớn nhưng cạnh tranh sẽ cao

Mặc dù vậy, cũng phải khẳng định rằng thị trường Việt Nam vẫn rất giàu tiềm năng, không lo thiếu "đất" cho nhà sản xuất, lắp ráp ô tô. Vấn đề đặt ra là có chính sách, sự hỗ trợ phù hợp đối với DN thuộc mọi thành phần kinh tế để tạo dựng niềm tin và quyết tâm tham gia thị trường lâu dài của cộng đồng DN.

Tại hội nghị, ông Bùi Ngọc Huyên, đại diện Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên cho biết, có 3 điều kiện chính để phát triển ngành sản xuất ô tô là vốn, công nghệ và con người; trong đó vốn là yếu tố quyết định nhất. Đặc điểm của ngành này luôn cần nhiều vốn đầu tư, trong khi đến nay nhiều ngân hàng không thể đáp ứng nhu cầu vay vốn dài hạn của DN; nếu thời hạn vay là vài năm thì không mang lại hiệu quả kinh tế. Và nếu không giải quyết triệt để thực trạng này thì các mục tiêu phát triển sẽ chỉ là "trên giấy". Mặt khác, cần nghiên cứu sâu để đưa ra dự báo tốc độ phát triển của thị trường sát với thực tiễn và thuyết phục hơn. Cơ quan quản lý cũng nên có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ thỏa đáng đối với loại xe khách 16-24 chỗ ngồi, xe tải nhẹ dưới 3 tấn và xe con dưới 10 chỗ để đáp ứng yêu cầu vận chuyển khách cự ly ngắn và trung bình cũng như tính phổ biến của các dòng xe này đối với xã hội... Nhiều đại diện DN bày tỏ bức xúc trước nạn buôn lậu, sử dụng phụ tùng ô tô không rõ nguồn gốc đang và sẽ đe dọa lợi ích của các DN chân chính. Một số chuyên gia lo ngại về khả năng cạnh tranh của xe "Made in Vietnam" so với xe ngoại trước bối cảnh Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015. Khi đó, thuế suất thuế nhập khẩu sẽ giảm dần và năm 2018 thì thuế suất áp vào xe nhập khẩu từ ASEAN sẽ lùi về 0%. Đây là một nguy cơ có thật vì đến nay những nước đi đầu ở khu vực đã đạt tỷ lệ nội địa hóa ô tô trung bình 50-70% cũng như có sản phẩm giàu sức cạnh tranh về giá bán và chất lượng. Có thể hình dung ra DN trong nước sẽ đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt, càng đáng lo ngại hơn bởi các DN ô tô trong nước đã quen tồn tại nhờ sự hỗ trợ, ưu ái từ phía Nhà nước. Trong khi đó, bị hấp dẫn bởi chất lượng và mẫu mã nên khá nhiều người tiêu dùng đang nóng lòng trông chờ thời điểm cắt giảm thuế suất đối với xe nhập ngoại để thỏa mãn nhu cầu.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang nhận định, sản xuất ô tô là ngành công nghiệp quan trọng, cần sự hỗ trợ của công nghiệp hỗ trợ. Bộ sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan hữu quan trong điều hành và quản lý để có những chính sách, cơ chế phù hợp. Hệ thống chính sách sẽ được thiết lập theo hướng đồng bộ, ổn định và nhất quán trong thời gian dài (tối thiểu là 10 năm). Đặc biệt, Bộ sẽ chủ động tham vấn ý kiến của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) để nắm bắt thực tế, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cũng như sự kỳ vọng của toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm đường cho ô tô thương hiệu Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.