(HNM) - Với hơn 1.300 làng nghề và 1.054 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên thực tế cho thấy, dù có nhiều sản phẩm chất lượng cao nhưng việc nâng cao giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề vẫn là "bài toán" khó. Thời gian tới, Hà Nội sẽ thúc đẩy đồng bộ nhiều giải pháp để tìm đầu ra, nâng giá trị cho sản phẩm.
Gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm
Từ lâu, việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề luôn là vấn đề được các cấp, ngành và người dân Thủ đô quan tâm. Đây cũng là trăn trở của nhiều địa phương thuộc thành phố.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan cho biết, Thạch Thất có 122 sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao. Các sản phẩm này đã có nhiều cải tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã; bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc… nhưng việc tiêu thụ vẫn hết sức khó khăn. Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang thông tin, rất nhiều chủ thể tham gia OCOP chưa tìm được cách thức liên kết để tiêu thụ sản phẩm nên không thể mở rộng quy mô sản xuất; sản phẩm chỉ tiêu thụ tại địa phương hiệu quả kinh tế chưa cao...
Ở góc độ cơ sở, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dị Nậu (huyện Thạch Thất) Nguyễn Thị Thành cho biết: “Mỗi năm doanh thu từ phát triển kinh tế của xã Dị Nậu đạt khoảng 640 tỷ đồng, trong đó đóng góp từ nghề mộc truyền thống được chế tác rất tinh xảo chiếm tới 70%. Cùng với nghề truyền thống, Dị Nậu còn sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng, như: Gạo nếp, đu đủ, rau sạch... Song, đến nay việc tiêu thụ vẫn hạn chế nên giá trị đạt thấp”.
Trong khi đó, có một thực tế là nhiều doanh nghiệp bán lẻ chưa “gặp” được các chủ thể có sản phẩm tốt để kết nối tiêu thụ. Giám đốc Công ty cổ phần xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam Đỗ Hoàng Thạch cho biết: “Chúng tôi cần một lượng lớn sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề đạt chuẩn OCOP để cung cấp cho các bếp ăn trường học; bán tại các sàn thương mại điện tử; tại khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm của công ty... Do đó, đơn vị mong muốn được kết nối với các nhà sản xuất uy tín và có thể cung cấp sản phẩm với số lượng, chất lượng, giá cả ổn định…”.
Thừa nhận khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP là một thực tế, theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Văn Chí, để khắc phục khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm OCOP và làng nghề, thành phố cần triển khai mạnh mẽ các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đồng thời thúc đẩy chuỗi giá trị nhằm phát triển kinh tế nông thôn.
Tăng cường kết nối
Kết nối giao thương các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP của Hà Nội là vấn đề luôn được Sở NN &PTNT Hà Nội cùng các địa phương thuộc thành phố quan tâm, đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển.
Trong đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan cho biết, giải pháp cần thiết hiện nay là thành lập các hợp tác xã để làm đầu mối hợp tác với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, bởi doanh nghiệp không thể ký hợp đồng với từng hộ sản xuất nhỏ lẻ... Ngoài ra, nhiều địa phương đề nghị nhà phân phối cung cấp thông tin về xu hướng tiêu thụ để có định hướng sản xuất sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP phù hợp.
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Nguyễn Trung Thành, làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm) cho rằng, muốn bán được sản phẩm OCOP, đặc biệt là sản phẩm gốm, ngoài yếu tố chất lượng, mẫu mã, thì rất cần có những “câu chuyện sản phẩm” - thuyết minh được quy trình sản xuất, những giá trị văn hóa hàm chứa trong mỗi sản phẩm…, để nâng cao giá trị hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của khách hàng hiện đại.
Khẳng định vai trò “bà đỡ” của cơ quan quản lý trong tiêu thụ sản phẩm, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất xúc tiến tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo, kết nối giao thương trong và ngoài nước. “Ngày 28-4 tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị kết nối với sàn thương mại điện tử Alibaba cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, trong đó có sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP để hướng tới xuất khẩu. Năm 2021, thành phố Hà Nội dự kiến sẽ phát triển 60 điểm bán sản phẩm OCOP tại các địa phương để tạo đầu ra ổn định”, bà Trần Thị Phương Lan thông tin thêm.
Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh, trong năm 2021, Trung tâm sẽ phối hợp với 5 huyện để tập huấn, đào tạo về xúc tiến thương mại cho các chủ thể có sản phẩm OCOP, góp phần giúp các chủ cơ sở sản xuất có thêm kỹ năng trong tiếp thị, bán sản phẩm.
Cũng về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn thành phố Hà Nội năm 2021. Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ 10 làng nghề xây dựng thương hiệu và đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể; hỗ trợ tài chính cho 5-10 dự án phát triển ngành nghề nông thôn…
Triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, trong đó chú trọng tăng cường khâu kết nối để tiêu thụ sản phẩm, chắc chắn “bài toán” tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP và làng nghề Thủ đô sẽ có lời giải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.