Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm cơ hội trong khó khăn

Bài và ảnh: Linh Tâm| 15/02/2020 16:22

(HNMCT) - Những ngày qua, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) đã tác động trực tiếp tới ngành Du lịch, khiến các doanh nghiệp lưu trú, lữ hành, vận chuyển lao đao vì số lượng khách hủy tour ngày càng nhiều.

Bên cạnh các giải pháp phòng, chống dịch được Chính phủ, các cấp cũng như các ban, ngành triển khai, ngành Du lịch đã và đang tìm bước đi phù hợp với thực tế nhằm hạn chế việc sụt giảm lượng khách, sẵn sàng “bứt tốc” ngay khi dịch bệnh do Covid-19 lắng xuống.

Du khách quốc tế sử dụng khẩu trang phòng lây nhiễm vi rút Covid-19 khi tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám.   

Chủ động và không chủ quan

Việc nâng cao tinh thần, trách nhiệm chống lây lan dịch do vi rút Covid-19 trong cộng đồng là điều cần thiết, nhưng dễ nhận thấy, thời gian qua, không ít người dân và du khách có tâm lý hoang mang, lo lắng dẫn đến tình trạng hủy tour diễn ra rộng khắp. Lượng khách tới các di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, đền Ngọc Sơn... bình thường đông là thế, nay giảm đáng kể. Tuy nhiên, nhiều du khách cho rằng, không nhất thiết phải hủy bỏ chuyến du lịch của mình nếu biết cách phòng, chống dịch bệnh. Ông Dominique Lomonaco, một du khách Pháp cho biết: “Chúng tôi có kế hoạch đi thăm Hà Nội từ năm ngoái. Trước khi đến Việt Nam, vợ chồng tôi đã nghe về dịch corona nhưng không hủy tour vì được trang bị đầy đủ kỹ năng phòng, chống dịch bệnh. Bởi thế, chúng tôi yên tâm khám phá thành phố xinh đẹp này và không cảm thấy thất vọng với quyết định của mình”.

Từ khi dịch bệnh do Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, dù số lượng khách có giảm nhưng Công ty TNHH Việt Nam khám phá (Vietnam Découverte) vẫn đưa các đoàn khách tham quan Hà Nội. Bà Lương Thị Trà Giang, hướng dẫn viên của công ty này chia sẻ: “Chúng tôi đã đưa ra khuyến cáo cụ thể cho các đoàn khách về kỹ năng phòng, chống dịch như đeo khẩu trang khi tới nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường sức đề kháng... Nhìn chung, các đoàn khách rất thoải mái khi tham quan Hà Nội ở thời điểm này. Họ không chủ quan nhưng cũng không sợ hãi, lo lắng thái quá bởi họ tin vào chính họ và sự nỗ lực phòng chống dịch của chúng ta. Tôi tin dịch Covid-19 sẽ sớm được dập tắt bởi Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó với dịch SARS năm 2003”.

Cũng chia sẻ về điều này, bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam nói: “Thực tế tại nhiều địa phương như Đà Lạt, Đắc Lắc, công suất buồng phòng vẫn đạt 85%, lượng khách hủy tour không nhiều. Do đó, không nên bi quan mà cần tăng cường tuyên truyền, minh bạch thông tin và khuyến khích khách đến những vùng ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Đó là cách để củng cố lòng tin và tránh sụt giảm lượng khách đến Việt Nam”.

Nhìn sang Thái Lan, số bệnh nhân nhiễm dịch bệnh do Covid-19 ở đó thậm chí còn nhiều hơn Việt Nam, nhưng họ tìm cách để du khách yên tâm nên tình trạng hủy tour không nhiều như Việt Nam. Đây là bài học đáng để chúng ta tham khảo.

Tìm kiếm cơ hội trong khủng hoảng

Theo các doanh nghiệp lữ hành, hiện nay, 100% tour đi và đến từ Trung Quốc đều đã bị hủy; tỷ lệ khách Hàn Quốc, Nhật Bản hủy tour cũng ở mức 30 - 40%. Tuy nhiên, như chia sẻ của Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải, thị phần khách Trung Quốc đến Hà Nội chỉ chiếm khoảng 10%, trong khi khách châu Âu chiếm khoảng 20%, còn lại khoảng 65% là khách đến từ các nước châu Á, do đó Hà Nội không bị ảnh hưởng nặng nề do sự sụt giảm lượng khách nước ngoài như một số địa phương khác. Riêng với thị trường khách Ấn Độ, mức tăng trưởng trong thời gian qua vẫn đạt 65%. “Trong khủng hoảng vẫn có thể tìm thấy cơ hội. Cơ hội cho Hà Nội lúc này là tranh thủ thời gian vắng khách để tập trung vào công tác đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường công tác xúc tiến tại chỗ, đẩy mạnh e-marketing nhằm quảng bá điểm đến. Cùng với đó, Sở sẽ cùng các doanh nghiệp chuẩn bị cho Chương trình kích cầu du lịch nội địa để đưa vào hoạt động ngay khi dịch bệnh lắng xuống”, ông Trần Đức Hải khẳng định.

Thực tế, ngành Du lịch Việt Nam có khá nhiều kinh nghiệm đối phó với những dịch bệnh nguy hiểm như: SARS, cúm A/H5N1, H1N1..., cùng với đó là khả năng “bứt tốc” ngay sau khi dịch bệnh lắng xuống. Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng: “Chúng ta phải chuẩn bị thật kỹ ngay từ lúc này, không để đến khi dịch lắng xuống mới bắt tay vào làm bởi như vậy thì sẽ bị chậm một bước. Việc cần thiết trước mắt là chuyển hướng xúc tiến sang các thị trường xa như: Anh, Mỹ, Australia, Canada, các nước Tây Âu, Bắc Mỹ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh khai thác các thị trường trọng điểm gần có kết nối đường bay thuận lợi đang có tốc độ tăng trưởng cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước ASEAN; tập trung khai thác thị trường lớn, tiềm năng như Ấn Độ, đồng thời tăng cường truyền thông, quảng bá xúc tiến tại thị trường Trung Quốc sau khi có công bố hết dịch”. Đồng quan điểm, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) cũng nhận định, Việt Nam nên tranh thủ cơ hội này để đưa ra các chính sách miễn hoặc gia hạn visa dài hơn cho các thị trường tiềm năng nhằm kích cầu hiệu quả, thu hút nhiều du khách từ các thị trường mới.

Thực vậy, trong khó khăn luôn có cơ hội nếu chúng ta đưa ra được dự báo chính xác để từ đó có bước chuẩn bị thích hợp. Cùng với tâm thế chủ động, không chủ quan, ngành Du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể bù đắp thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra trong thời gian qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tìm cơ hội trong khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.