(HNMCT) - Tiểu thuyết với đặc trưng của “đương đại đang tiếp diễn” (theo quan niệm của M.Bakhtin) vẫn đang có những chuyển động mạnh mẽ sau gần hai thập niên đầu của thế kỷ XX. Việc xuất hiện những: Thoạt kỳ thủy (Nguyễn Bình Phương), Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn (Nguyễn Việt Hà), Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa (Nguyễn Xuân Khánh), Miền hoang (Sương Nguyệt Minh)... đang tạo ra những sự phân hóa rõ rệt mang tính đa dạng, đặt ra những yêu cầu cần bàn lại, đọc lại và định hình lại về tiểu thuyết từ chính những người cầm bút.
Một buổi tọa đàm về tiểu thuyết mang tính chuyên sâu, phản ánh được những ý kiến của các nhà tiểu thuyết mới đây đã được tổ chức tại Bảo tàng Văn học Việt Nam với sự tham dự của các nhà văn, nhà phê bình đến từ nhiều địa phương trong cả nước. Qua đây, thấy rõ tiểu thuyết vẫn luôn là thể loại thu hút được sự quan tâm của các nhà văn có tuổi tác và nhiều vốn sống, trong khi các cây bút trẻ vẫn còn “thờ ơ” với thể loại này.
Việc các nhà văn trẻ còn chưa quan tâm nhiều đến tiểu thuyết cũng là điều dễ lý giải, bởi đặc trưng của thể loại này vốn đòi hỏi người cầm bút phải có sự va chạm với hiện thực đời sống, có những trải nghiệm để đạt đến độ chín nhất định từ đó mới có thể phản ánh chân xác những mảnh ghép của bức tranh xã hội rộng lớn và những vấn đề của cuộc sống. Nữ nhà văn Võ Thị Xuân Hà chia sẻ, đang có một sự thiệt thòi không nhỏ đối với một thế hệ cầm bút sau chiến tranh nhưng lại xuất hiện trước các cây viết trẻ của thời đại 4.0.
Đó là thế hệ của những nhà văn 6x - 7x, họ chưa có được những thành tựu nổi bật như các nhà văn trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, song lại dễ bị khuất chìm trước sự PR, truyền thông của mạng xã hội. Dường như, chưa có sự chú ý đáng kể từ phía các nhà phê bình, từ đó lôi cuốn được sự quan tâm của người đọc đối với văn chương của lớp nhà văn này.
Có thể thấy, trong thời đại của công nghệ, độc giả ngày càng thích đọc thông tin trên mạng với thời gian đọc nhanh, lượng chữ ngắn. Ngay cả trong văn chương, các thể loại tạp bút, tản văn, du ký... cũng dễ ăn khách hơn thay vì các thể loại có dung lượng lớn, đằm sâu như tiểu thuyết, trường ca, truyện dài, kịch văn học. Thậm chí ngay với thể loại tiểu thuyết, xu hướng đọc cũng bắt đầu hướng đến tác phẩm dung lượng vừa phải như tiểu thuyết mini, mà Đảo chìm của Trần Đăng Khoa là một ví dụ.
Tuy nhiên cũng không phải vì thế mà tiểu thuyết vắng bóng hay trở nên nghèo nàn. Ngược lại, trên văn đàn Việt còn xuất hiện các xu hướng tiểu thuyết như tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết kỳ ảo, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng với sự tham gia ngày càng nhiều của các cây viết. Nhiều nhà phê bình văn học tỏ ra lạc quan với những chuyển động của tiểu thuyết Việt Nam hiện nay. Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng khẳng định: “Tình trạng nhập siêu của văn học Việt Nam đã dần được cải thiện, các nhà văn Việt Nam cần nhìn vào những “đỉnh cao” của văn chương Việt Nam để có tinh thần lạc quan trong sáng tạo”.
Đây có thể coi là một nhận định khá táo bạo, trái ngược với một ấn tượng kém lạc quan về vị thế của tiểu thuyết Việt Nam nói riêng và văn học Việt Nam nói chung với thế giới. Thậm chí, trong một bài viết khác của mình, nhà phê bình Bùi Việt Thắng còn cho rằng: “Tiểu thuyết sẽ là thể loại rường cột của văn học dân tộc trong tương lai gần và xa”.
Đi sâu vào phân tích kỹ lưỡng hiện trạng tiểu thuyết Việt Nam hiện nay, nhà phê bình văn học Nguyên An cho rằng: “Chúng ta có quyền tin vào sự phát triển của tiểu thuyết Việt Nam khi mỗi nhà văn đều có một sự tìm tòi, ấp ủ riêng cho mình”. Ông cũng chia sẻ, khi công tác ở một số nước châu Âu, không ít bạn đọc ở đây đã xin nhân bản những cuốn tiểu thuyết ông mang theo bằng hình thức photocopy để được tiếp cận với nền văn học Việt Nam đương đại. Điều đó cho thấy, tiểu thuyết của Việt Nam đã tạo được ấn tượng cũng như thành tựu nhất định, song dường như vẫn đang ở diện rộng chứ chưa ở chiều sâu.
Bàn về tiểu thuyết, nhà văn Sương Nguyệt Minh bày tỏ: “Ở một góc độ nào đó, tiểu thuyết là thể loại dân chủ nhất trong các thể loại văn học”, tuy nhiên lâu nay, chúng ta thường chỉ trăn trở với suy nghĩ làm thế nào để có tác phẩm hay. Thực tế, hai dòng chảy tiểu thuyết (một dòng chảy cổ điển và một dòng chảy mới muốn thay đổi, bứt phá khác với thế hệ cha anh đi trước) vẫn đang song hành và được minh chứng bằng nhiều tác phẩm hay, thu hút người đọc.
Chỉ có điều, dường như một tác phẩm lớn của văn học Việt vẫn còn đang ở đâu đó phía trước mà đã đến lúc, văn học Việt cần đặt ra câu hỏi về một tác phẩm lớn thay vì một tác phẩm hay như chúng ta thường nói. Một tác phẩm lớn sẽ đặt ra tầm vóc lớn về nội dung đồng thời đòi hỏi một hình thức nghệ thuật lớn để truyền tải, mà bản thân nhà văn Sương Nguyệt Minh cùng nhiều bạn văn của mình vẫn đang loay hoay tìm kiếm.
Chia sẻ ý kiến về câu hỏi “làm thế nào để có tác phẩm lớn”, nhà văn Nguyễn Trí cho rằng trước hết nhà văn phải có tài, sau đó phải có một đường đi riêng mà con đường đi riêng ấy được mỗi nhà văn gợi mở bằng nhiều cách hiểu và cảm nhận khác nhau.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: “Tiểu thuyết là nền tảng vững chắc hình thành một nền văn học, chúng ta không thể lãng quên vị trí của thể loại này”. Với không ít nhà tiểu thuyết, việc tìm hướng đi, tự làm mới mình, tìm ra cách kể, cách viết mới, quan niệm về con người mới, sự hình dung về người đọc hôm nay... cũng là thách thức không nhỏ để có thể có được một tác phẩm “để đời”.
Một vài cuộc tọa đàm về tiểu thuyết chắc chắn không đủ để mang đến những giải đáp làm thỏa mãn các câu hỏi mà nhiều cây viết còn băn khoăn, nhưng nó mang đến những gợi mở mà biết đâu, từ đó sẽ manh nha hình thành ý tưởng cho những cuốn tiểu thuyết có giá trị, đáp ứng được sự kỳ vọng của bạn đọc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.