Những lùm xùm trong công tác quản lý nhà nước tại khu đất dự kiến xây dựng công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông chưa lắng xuống thì nay lại thêm phức tạp khi nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ 365 (diện tích nằm trong khuôn viên dự kiến xây dựng công viên) cho rằng bản thân bị doanh nghiệp cho thuê đất lừa.
Không ít tiểu thương băn khoăn, sự thiếu giám sát trong thực hiện hợp đồng cho thuê đất của cấp chính quyền địa phương cũng đẩy thêm họ vào cảnh “tiền mất, nợ mang”...
“Trắng tay” vì chợ tạm
Theo một số hộ kinh doanh tại chợ 365, cuối năm 2016, tại khu đất dự kiến xây dựng công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông (thuộc phường Hà Trì và Kiến Hưng, quận Hà Đông) treo nhiều quảng cáo sẽ xây dựng chợ 365 với quy mô “hoành tráng” cùng bản vẽ quy hoạch chợ với hàng trăm gian hàng. Thấy có những cơ hội tốt, nhiều người đã đổ tiền vào thuê ki ốt, nộp tiền xây dựng cơ sở hạ tầng cho Ban Quản lý chợ 365 (thuộc Công ty cổ phần Xây dựng Đức Thịnh) từ 15 triệu đồng đến 100 triệu đồng/ki ốt.
Năm 2017, sau một thời gian ngắn hoạt động, lực lượng chức năng quận Hà Đông vận động tiểu thương không kinh doanh do đây không phải là chợ. Điều lạ là, ngay cả khi cổng dãy ki ốt C và D bị lực lượng chức năng xây tường bịt nhưng chợ vẫn hoạt động nên nhiều người tin tưởng, tiếp tục đầu tư.
Tháng 10-2022, sau khi xảy ra vụ cháy kho sơn trong khuôn viên khu đất dự kiến xây dựng công viên, mọi hoạt động kinh doanh tại đây đã phải ngừng lại. Trong khi trước đó, các cửa hàng cũng phải đóng cửa vì dịch Covid-19 nên nhiều người gần như “trắng tay” sau đầu tư.
Chị Đặng Thị Tuyết Mai (xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ) thuê 2 ki ốt của Ban Quản lý chợ 365 với số tiền 30 triệu đồng. Tuy nhiên, có những thời điểm lực lượng chức năng đã rào khu vực kinh doanh, không cho buôn bán; sau đó, Ban Quản lý chợ đã dỡ bỏ để cho tiểu thương hoạt động, nhưng không lâu sau, ki ốt tiếp tục bị chính quyền sở tại rào lại… Cứ như vậy, cộng với ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên chị Mai gần như không thể kinh doanh, số tiền bỏ ra thuê mặt bằng gần như mất trắng.
Trước những lộn xộn này, cuối năm 2022, tiểu thương đã gửi đơn đến các cấp chính quyền quận Hà Đông, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng...
Cần rạch ròi trách nhiệm
Về những vấn đề nêu trên, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông Phạm Thị Phương Thảo thông tin, năm 2015, sau khi được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận cho tạm khai thác khu đất quy hoạch xây dựng công viên vui chơi giải trí quận Hà Đông, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận đã ký hợp đồng cho thuê đất với 12 doanh nghiệp, trong đó có Công ty cổ phần Xây dựng Đức Thịnh (Công ty Đức Thịnh) để làm chợ sinh vật cảnh, tiểu thủ công nghiệp...
Do nảy sinh nhiều vấn đề, tháng 6-2021, UBND thành phố yêu cầu quận Hà Đông dừng khai thác, dừng cho thuê mặt bằng nên Trung tâm Phát triển quỹ đất quận đã đề nghị các đơn vị di dời tài sản, bàn giao lại mặt bằng. Từ tháng 8-2021 đến tháng 8-2022, trung tâm nhiều lần vận động doanh nghiệp, tiểu thương thực hiện yêu cầu của thành phố... Song, do 11/12 doanh nghiệp không bàn giao mặt bằng nên tháng 10-2022, trung tâm đơn phương chấm dứt hợp đồng với các doanh nghiệp.
“Việc chợ phải dừng hoạt động đã được tuyên truyền công khai nên không có chuyện tiểu thương không biết. Mặt khác, phạm vi quản lý của Trung tâm Phát triển quỹ đất quận chỉ là hợp đồng giữa trung tâm với Công ty Đức Thịnh, chúng tôi không ký với tiểu thương hay Ban Quản lý chợ 365” - bà Phạm Thị Phương Thảo nhấn mạnh thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Thành - Trưởng ban Quản lý chợ 365 khẳng định không có chuyện Ban Quản lý chợ lừa tiểu thương bởi ai muốn thuê ki ốt phải có 2 đơn gồm: Đơn xin thuê ki ốt và đơn xin tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng. Thời hạn thuê cũng quy định tương tự hợp đồng Công ty Đức Thịnh đã ký với Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông...
Ở đây, cần xem xét thấu đáo về thời hạn hợp đồng. Theo ông Nguyễn Đức Thành, hợp đồng ký giữa Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông với Công ty Đức Thịnh có điều khoản: Hợp đồng sẽ chấm dứt trong trường hợp “chính thức triển khai xây dựng công viên”. Trong khi đó, hợp đồng giữa Ban Quản lý chợ 365 ký với tiểu thương lại ghi: Hợp đồng có giá trị trong 60 tháng; sau thời gian hết hạn hợp đồng..., nếu bên B có nhu cầu thuê tiếp thì được bên A ưu tiên gia hạn thời gian của hợp đồng...
Như vậy, liệu đây có phải là điều khoản làm nhiều người lầm tưởng chợ sẽ được kinh doanh lâu dài, khiến việc mua đi, bán lại ki ốt có thời điểm bị đẩy lên cao trào với hàng trăm triệu đồng/ki ốt? Mặt khác, cũng cần xem xét trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc để chợ xây dựng rầm rộ, hoạt động “tái đi, tái lại” ngay cả khi đã có yêu cầu dừng hoạt động?
Hiện nay, nội dung đơn tố cáo Ban Quản lý chợ 365 đã được Công an quận Hà Đông hướng dẫn tiểu thương gửi đến Trung tâm Phát triển quỹ đất quận để được giải quyết. Đề nghị UBND quận Hà Đông khẩn trương vào cuộc, tránh để vụ việc càng phức tạp bởi sự chậm trễ trong xác định trách nhiệm giữa các bên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.