(HNM) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu nông sản thực phẩm trên thị trường giảm, nhiều mặt hàng tiêu thụ khó khăn. Việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố cũng gặp nhiều trở ngại. Thời gian tới, một số loại trái cây vụ hè như vải, dưa hấu, xoài, thanh long, chôm chôm, nhãn... đến kỳ thu hoạch và được dự báo sẽ gặp nhiều bất lợi. Vậy, vấn đề tiêu thụ nông sản trước thách thức đại dịch cần được hóa giải theo cách nào để hạn chế các rủi ro?
Đối mặt nhiều khó khăn
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết, từ đầu tháng 5-2021 đến nay, việc tiêu thụ rau an toàn giảm cả về số lượng và giá cả. Hiện tại, mỗi ngày hợp tác xã chỉ bán được 1-2 tấn rau cho các siêu thị, giảm 30% so với tháng 4-2021 và lượng tiêu thụ tại các chợ đầu mối, bếp ăn tập thể mỗi ngày vào khoảng 20-25 tấn, giảm 50% so với tháng 4-2021.
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Hòa Phú (huyện Quốc Oai) Lê Đình Bình, gia cầm lại đối mặt với việc giá giảm mạnh, hiện gà ta thả vườn dao động trong khoảng 60.000-80.000 đồng/kg, trứng gà 900-1.200 đồng/quả, giảm 20-30% về giá so với tháng 4-2021 và lượng tiêu thụ cũng giảm. Nếu tình hình này kéo dài, người chăn nuôi gia cầm tiếp tục đối mặt với nguy cơ thua lỗ.
Khó khăn chưa dừng lại ở đó, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản thông tin, sắp tới việc tiêu thụ quả vải và một số loại trái cây vụ hè khác như dưa hấu, xoài, thanh long, chôm chôm, nhãn... cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Ước tính niên vụ 2021, sản lượng vải của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên đạt 250.000 tấn; trong đó tiêu thụ quả tươi xuất khẩu chiếm 50% và tập trung chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ tạo áp lực lớn cho xuất khẩu.
Về những khó khăn trong tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, thời điểm hiện tại dịch Covid-19 đã lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố, cản trở việc lưu thông hàng hóa. Thời gian tới, nhiều sản phẩm nông nghiệp, nhất là trái cây sẽ vào vụ thu hoạch và Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính nên sẽ tạo áp lực lớn về tiêu thụ cho người nông dân và doanh nghiệp. Mặt khác, những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đã, đang khiến chi phí sản xuất, lưu kho, bảo quản nông sản tăng cao; cùng với đó là hoạt động kinh doanh bị đứt đoạn, giao thương hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới bị chậm...
Đa dạng hóa kênh tiêu thụ nông sản
Hóa giải một phần khó khăn này, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong (huyện Mê Linh) Nguyễn Thế Lâm tính toán, cùng với việc tiêu thụ cây ăn quả tại các kênh thương mại truyền thống, hợp tác xã sẽ đẩy mạnh bán hàng trực tuyến (online); trên mạng xã hội như Facebook, Zalo... Tuy nhiên, về lâu dài các ngành chức năng cần hỗ trợ hợp tác xã trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp, đưa nông sản lên “Chợ thương mại điện tử” của thành phố; đồng thời triển khai các gói tín dụng đặc thù đối phó với dịch Covid-19, trong đó có việc khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới với lãi suất ưu đãi để nông dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Ở góc độ doanh nghiệp tiêu thụ nông sản cho nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce Nguyễn Thị Phương cho biết, Vincommerce gồm 122 siêu thị, đại siêu thị và 2.300 cửa hàng tiện ích Vinmart+ tại 58 tỉnh, thành phố trên cả nước. Vincommerce sẽ tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản ở các tỉnh, thành phố, đặc biệt đối với các loại trái cây như vải, nhãn... và các loại rau đến kỳ thu hoạch, nhằm chia sẻ khó khăn với nông dân, hợp tác xã.
Còn Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, ngành Nông nghiệp thành phố Hà Nội đã và đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường liên kết chuỗi để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ các mặt hàng nông sản đến kỳ thu hoạch; đồng thời, thúc đẩy tiêu thụ qua hệ thống “Chợ thương mại điện tử”, trên các kênh phân phối hiện đại.
Để giảm áp lực tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, cùng với việc phát triển nhiều loại hình bán lẻ online, các nhà máy chế biến nông sản cần tăng công suất, tập trung vào phân khúc hàng khô, sơ chế, sản phẩm cấp đông, thủy sản đồ hộp, gia cầm chế biến, nước quả cô đặc, trái cây ép đóng lon… Mặt khác, các tỉnh, thành phố cần thông tin kịp thời về tình hình sản xuất, lưu thông nông sản tại địa phương để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường; đồng thời thành lập các trung tâm thu mua nông sản cơ động tại các tỉnh, kiểm soát thu mua từ hợp tác xã để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Cùng với đó là nhân rộng các hình thức liên kết sản xuất tiêu thụ và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản bên cạnh thị trường truyền thống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.