Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiêu hủy kho vũ khí hóa học Syria: Chặng đầu của hành trình dài

Trung Hiếu| 08/10/2013 06:19

(HNM) - Nhóm các chuyên gia giải trừ vũ khí của Liên hợp quốc (LHQ) và Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã bắt đầu quá trình tiêu hủy các vũ khí hóa học và cơ sở sản xuất của Syria.

Liên hợp quốc bắt đầu quá trình hủy kho vũ khí hóa học Syria.



Theo đó, nhóm chuyên gia, gồm 19 thành viên của OPCW, đã tới thủ đô Damascus để tiếp cận từng bước các kho vũ khí để kiểm tra, tháo dỡ và phá hủy. Hoạt động này sẽ diễn ra trong 9 tháng với nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là loại bỏ khả năng Syria có thể sản xuất vũ khí hóa học trước ngày 1-11. Nhiệm vụ của nhóm được cho là rất nặng nề vì theo ước tính, Syria hiện có hơn 1.000 tấn vũ khí hóa học - trong đó có cả khí độc sarin và khí ngạt iperit - đang được cất giữ tại 45 địa điểm nằm rải rác trên khắp đất nước. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên trong lịch sử của OPCW, các chuyên gia của tổ chức này phải thực hiện nhiệm vụ tại một quốc gia đang trong tình trạng nội chiến kéo dài. Thực tế này là một thách thức cực kỳ lớn đối với các hoạt động giải trừ vũ khí hóa học ở Syria.

Diễn biến khá nhanh chóng này là kết quả của cam kết từ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Damascus khẳng định sẽ tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về việc tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria dưới sự giám sát của OPCW. Hồi trung tuần tháng 9 vừa qua, Damascus đã chuyển cho OPCW danh sách những nơi sản xuất và cất trữ vũ khí hóa học, vốn được nêu trong thỏa thuận Nga - Mỹ về tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria từ nay đến giữa năm 2014. Ngoài ra, Damascus cũng phải cung cấp các thông tin bổ sung về kho vũ khí hóa học của họ. Vì vậy, dù khó khăn nhưng dư luận vẫn tin tưởng động thái mới nhất này sẽ hoàn tất thỏa thuận đột phá "đổi vũ khí lấy hòa bình" cho Syria. Đồng thời, chuyển biến trên cũng mở ra hy vọng sẽ tạo tiền đề cho những bước đi tiếp theo nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng âm ỉ này. Tuyên bố của Tổng thống B.Al-Assad rằng Damascus đã sẵn sàng cho hội nghị Geneva 2 về hòa bình tại Syria, dự kiến diễn ra vào giữa tháng 11 tới tại Thụy Sĩ đã giúp khẳng định niềm tin này.

Như vậy là sau rất nhiều khó khăn, đề xuất của Nga về việc đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế để tiêu hủy, đồng thời đề nghị Damascus tham gia vào Công ước quốc tế về thủ tiêu vũ khí hóa học, đã cởi được "nút thắt" Syria. Đề xuất này là cơ sở để LHQ thông qua nghị quyết lịch sử về Syria với sự đồng thuận của 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ. Văn bản đó cũng giúp hóa giải quan hệ ngoại giao căng thẳng giữa Nga và Mỹ kéo dài trong thời gian qua liên quan đến số phận quốc gia Trung Đông. Đây là nghị quyết đầu tiên được thông qua về cuộc xung đột Syria kể từ khi giao tranh nổ ra hồi tháng 3-2011, sau khi Nga và Trung Quốc từng 3 lần sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ các nghị quyết liên quan tới Syria. Trong một cử chỉ nồng ấm hơn, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov đã bắt đầu cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên kể từ khi đạt được thỏa thuận nhằm kiểm soát và tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria. Tại cuộc gặp này bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương đang diễn ra tại Bali (Indonesia), hai bên đánh giá tiến bộ đạt được tại Syria, đồng thời cập nhật thỏa thuận bảo đảm an toàn hạt nhân thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh.

Thế nhưng, phản ứng tiêu cực từ phe đối lập Syria là một vấn đề gây quan ngại. Đến nay, lực lượng này vẫn từ chối con đường hòa bình với chính quyền của Tổng thống B.Al-Assad. Trong khi đó, Damascus khẳng định, sẽ không đàm phán với phe nổi dậy cho tới khi họ hạ vũ khí. Việc lực lượng nổi dậy tuyên bố đã kiểm soát được một căn cứ của quân đội chính phủ tại khu vực Rahm el-Kalmon, phía tây Damascus và chiếm giữ 300 xe tăng cùng những kho đạn dược lớn đang khiến dư luận lo ngại về những xung đột mới.

Theo thống kê, kể từ khi xung đột ở quốc gia Trung Đông bắt đầu cách đây hơn hai năm, những tổn thất đối với các khu vực công và tư nhân ở Syria đã lên đến khoảng 16,5 tỷ USD. Cuộc xung đột còn buộc hơn 2 triệu người dân Syria phải sơ tán. Vì vậy, việc giao nộp vũ khí hóa học chỉ tránh cho Damascus khỏi một cuộc tấn công từ bên ngoài chứ chưa bảo đảm sẽ kết thúc cuộc nội chiến đẫm máu tại đây. Do đó, cộng đồng quốc tế vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để tìm giải pháp nhằm mang lại hòa bình thật sự cho người dân quốc gia Trung Đông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiêu hủy kho vũ khí hóa học Syria: Chặng đầu của hành trình dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.