Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiêu cực tập thể trong giáo dục

Mai Kim Thoa| 11/06/2012 05:42

(HNM) - Vụ gian lận diễn ra trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) ở Bắc Giang vừa qua là biểu hiện


Những hành vi gian lận mang tính tập thể này không chỉ diễn ra ở Bắc Giang, dẫu mức độ và biểu hiện mỗi nơi một khác. Bởi vậy, nếu chỉ tìm thuốc chữa triệu chứng mà không tác động đến căn nguyên thì những căn bệnh nan y sẽ giết chết "cơ thể" giáo dục vốn đã không khỏe.

Không ít người đặt câu hỏi, tại sao để tốt nghiệp chỉ cần 30 điểm cho 6 môn thi, điểm liệt là 0 mà phải cả nhà trường, giáo viên và thí sinh phải gian lận tập thể? Để có một kết quả thi "đẹp" như mong muốn của ngành và các địa phương, của người dạy và người học nhưng cái giá phải trả là niềm tin của thế hệ trẻ và sự xói mòn của đạo đức học đường, là quá đắt?

Kiểm tra đánh giá vốn là công việc bình thường trong giáo dục, gian lận trong thi cử thì ở đâu và thời nào cũng có. Vậy nguyên do gì để cái việc đánh giá một học sinh hoàn thành một chương trình học nào đó lại khiến cả ngành giáo dục quanh năm chỉ loay hoay với đổi mới, cải tiến để có được một kỳ thi như mong muốn? Sự mất phương hướng của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục có thể thấy rõ qua những giải pháp nhằm giữ nghiêm kỷ cương, lúc thì quá "tả" với thanh tra ủy quyền, chấm chéo giữa các tỉnh, đề thi lắt léo đánh đố, lúc lại quá "hữu" với giao cho các địa phương tự chủ hoàn toàn, thậm chí các tỉnh, thành tự quyết định phương án tổ chức thi cho phù hợp điều kiện, hoàn cảnh thậm chí không cần tổ chức hội đồng coi thi liên trường... Sau một hai năm quyết liệt với "nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" dẫn đến kết quả thi tốt nghiệp "xấu", dù kỷ cương chưa được lập lại, Bộ GD-ĐT đã chuyển từ "ôm" tất cả sang "giao" tất cả. Kết quả là kỷ luật trường thi lỏng lẻo, gian lận tập thể trở thành chuyện bình thường mà bằng chứng có được ở Hội đồng coi thi Đồi Ngô (Bắc Giang) đã chứng minh. Kể cả ở địa phương tuyên bố rằng sẽ triển khai mọi biện pháp để thí sinh "3 không" - không muốn, không dám và không thể quay cóp - thì hình ảnh "phao" vứt ngổn ngang quanh khu vực thi cũng đã cho thấy kỷ luật phòng thi "nghiêm" đến mức nào. Không có một chiến lược rõ ràng và nhất quán trong cách làm giáo dục nói chung, thiếu chuyên nghiệp trong công tác kiểm tra đánh giá nói riêng chính là nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này.

Hội đồng coi thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) tổ chức gian lận tập thể như những gì đã thể hiện trong clip là để học sinh của mình đỗ tốt nghiệp. Nó cũng là "giải pháp" không ít trường dân lập áp dụng, dẫu có khác về cách thức và mức độ lộ liễu bởi nhiều trường phải "vơ bèo, vạt tép" trong tuyển sinh nên "đầu vào" rất kém. Học lực yếu, hạnh kiểm kém, không ít học trò của các trường dân lập chỉ đóng tiền học còn không cần đến lớp. Các trường phải cố "đủn đít" số này lên lớp rồi tốt nghiệp, kể cả những học sinh đi thi cho chép bài cũng không biết chép thế nào, để giữ "thương hiệu". Nhưng một hay nhiều trường như Đồi Ngô và kỳ thi tốt nghiệp sẽ không thể "vẽ" nên bức tranh ảm đạm về kỷ luật trường thi và đạo đức học đường như hiện nay. Có lẽ, quay cóp, dối trá đã trở thành chuyện bình thường trong các nhà trường, đến mức đề thi tốt nghiệp môn ngữ văn năm nay với chủ đề "thói dối trá" đã được thí sinh dự thi hào hứng khen dễ bởi nó quá "gần gũi". Nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người, trong đó có dạy làm người trung thực; xuê xoa dễ dãi với trò trong từng bài kiểm tra hằng ngày; không xử lý nghiêm những hành vi gian lận trong từng kỳ thi nhỏ đã khiến một bộ phận không nhỏ học sinh coi chuyện quay cóp trong kiểm tra, thi cử là đương nhiên; khiến số còn lại mang "phao" vào phòng thi như là cách "tìm" sự công bằng. Nhưng những gì diễn ra ở các kỳ thi tuyển sinh lại cho một hình ảnh rất khác dù vẫn những thí sinh vừa thi tốt nghiệp giờ lại thi đại học. Vẫn có quay cóp, gian lận nhưng nó không mang tính "tập thể". Ngoài lý do thí sinh phải giám sát và cạnh tranh với nhau bởi anh đỗ thì tôi trượt còn có một nguyên nhân khiến các kỳ thi tuyển sinh nghiêm túc, đó là quan điểm nhất quán từ lãnh đạo cho tới từng giám thị về việc phải coi thi chặt chẽ, đúng quy chế. Chỉ cần đúng quy chế thì thí sinh không thể quay cóp, nhưng vì "thương" trò, vì thành tích của trường, vì "cả làng đều toét mắt" nên các thầy, cô đã làm ngơ, thậm chí tiếp tay cho học sinh gian dối. Điều này cho thấy, không có lỗi "khách quan" trong tình trạng gian lận thi cử đang diễn ra tràn lan hiện nay.

Một nguyên nhân chủ quan trong việc để xảy ra gian lận thi cử một cách tràn lan hiện nay chính là công tác kiểm tra, đánh giá hiện có quá nhiều hạn chế. Mỗi năm quy chế thi lại phải sửa đổi, các phương án tổ chức cũng thay đổi hằng năm cho thấy chúng ta chưa có nghiên cứu một cách đầy đủ và khoa học về kiểm tra, đánh giá để có những cải tiến nhằm đổi mới chất lượng công tác này. Mặc dù mục đích của kiểm tra, đánh giá có nhiều nhưng theo ý kiến của các nhà nghiên cứu, mục đích chính của đánh giá phải là nhằm cải tiến việc học tập của học sinh và do đó, đánh giá phải tập trung vào quá trình hơn là đánh giá cuối cùng. Nhưng hiện nay, mục đích của kiểm tra, đánh giá chỉ chú trọng đến đánh giá cuối cùng. Toàn bộ hệ thống giáo dục đang vận hành theo hướng lấy các kỳ thi quan trọng như tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ làm trung tâm, mọi hoạt động của nhà trường và giáo viên trong suốt quá trình học tập của học sinh hầu như chỉ nhằm đối phó với các kỳ thi này bằng con đường ngắn nhất như cho sẵn bài văn mẫu, cùng những cách giải toán thường xuất hiện trong các kỳ thi. Đã tồn tại rất lâu rồi "hội chứng" thi rất đặc biệt của giáo dục Việt Nam: gần thi mới lo học, học đối phó, học nhồi nhét chỉ cốt để thi, thi cái gì học cái nấy, thi thế nào học thế ấy. Thi tốt nghiệp 6 môn, trong khi ở bậc THPT đã phân ban theo định hướng khối thi ĐH, CĐ, nên dù chỉ để đánh giá hoàn thành chương trình học nhưng kỳ thi THPT vẫn tạo nên áp lực không đáng có. Vì cách kiểm tra, thi cử như hiện nay nên với nhiều học sinh, nhất là học sinh có lực học trung bình trở xuống, quá trình học tập chỉ là để đối phó với những đợt kiểm tra, đánh giá mang tính "kết án". Nhiều em sợ và ghét kiểm tra bởi mỗi lần kiểm tra là một lần các em nhận được một điểm số để biết rằng mình kém hơn bạn bè nhưng gần như không biết phải làm thế nào để học tốt hơn. Với cách làm thiếu bền vững này thì một bộ phận học sinh phải tìm mọi cách để đạt được kết quả cuối cùng ấy, kể cả gian lận. Còn Bộ GD-ĐT mất quá nhiều thời gian và công sức cho việc tổ chức các kỳ thi sao cho nghiêm túc, ít gian lận, nhưng vẫn cứ loay hoay với những cách kiểm tra, đánh giá truyền thống, trong khi nó không phải là cách duy nhất để đạt được mục tiêu đề ra. Ở nhiều nơi trên thế giới, những kỳ thi này được các tổ chức nghiên cứu và đánh giá giáo dục độc lập đảm nhiệm rất hiệu quả. Tại sao không thể tham khảo kinh nghiệm và mô hình của các nước và áp dụng thích hợp cho Việt Nam? Chừng nào cách kiểm tra, đánh giá trong nhà trường còn chưa thay đổi thì những vấn nạn hiện nay, trong đó có gian lận trong thi cử, sẽ vẫn tiếp tục tồn tại và chất lượng giáo dục sẽ không được cải thiện.

Gian lận thi cử còn bởi "căn bệnh" sính bằng cấp đang hoành hành. Bằng cấp dường như là "tấm vé" để người ta đi suốt đoạn đường còn lại của cuộc đời nên ai cũng phải cố cho có. Không có bằng tốt nghiệp THPT thì đến học nghề cũng khó, bởi hầu như các trường dạy nghề không tuyển học sinh chỉ mới học xong THCS hoặc chưa tốt nghiệp THPT. Mặc dù bằng cấp là bằng chứng cụ thể để chứng tỏ người sở hữu nó đã trải qua một quá trình học tập để đạt một trình độ nào đó nhưng đề cao thái quá bằng cấp, không chú ý đến thực tài nên không chỉ gian lận, quay cóp trong các kỳ thi mà cả những hiện tượng tiêu cực như mua bằng, bán điểm, liên kết đào tạo bát nháo, nạn học giả bằng thật... có "đất" sống. Ngoài "tâm lý khoa bảng" đã ăn sâu bám rễ, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh sính bằng cấp là do cách tuyển dụng hiện nay, nhất là vào các cơ quan công quyền. Tấm bằng, dù chẳng liên quan gì đến nhiệm vụ nhưng nhiều khi vẫn là cái cớ để thuyết phục rằng ai đó "xứng đáng" ngồi vào chỗ nào đó. Thực tế ấy khiến cho người ta không thể không tìm kiếm tấm bằng bằng những cách không đàng hoàng.

Gian lận, quay cóp - nỗi nhức nhối về đạo đức học đường không chỉ xảy ra ở kỳ thi ít quan trọng như thi tốt nghiệp mà còn đầy rẫy ở những kỳ thi danh giá khác với những "thí sinh lớn". Hành vi lệch chuẩn nhưng đã trở thành phổ biến và trở nên bình thường này không chỉ làm hỏng một hay nhiều kỳ thi mà còn làm hư mỗi con người và nhiều thế hệ, khiến nhiều người lo ngại gọi nó là quốc nạn. Để giải quyết quốc nạn này, cũng là để chữa trị tận gốc những căn bệnh nan y của giáo dục, không thể chỉ bằng những cải cách nửa vời, chắp vá, thiếu nhất quán hay những giải pháp tình thế, cục bộ, bề nổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiêu cực tập thể trong giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.