(HNM) - Những ngày này, tình hình thiếu điện đã dịu bớt, nhưng nỗi lo xung quanh vấn đề này không vì vậy mà thuyên giảm. Hội Năng lượng Việt Nam công bố rằng, đã đệ đơn trình Chính phủ tăng giá điện thêm 50% và bỏ cách tính giá theo bậc thang ngay từ năm tới.
Đề nghị của Hội Năng lượng gây sốc vì chỉ tăng giá điện 10% thôi đã phải nâng lên đặt xuống, huống chi ngay một lúc tăng 50%, tức là kéo giá hầu hết các mặt hàng thiết yếu trong nước tăng lên gấp rưỡi hiện nay, đẩy hàng triệu người dùng điện phải tăng chi trả trong khi không có sự điều tiết hay chuẩn bị nào.
Vấn đề không chỉ là vậy. Sự phản ứng gay gắt của dư luận còn có một lý do đã được đề cập nhưng chưa được bàn đến tận cùng, đó là một bộ phận không nhỏ người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng điện không thật tin vào sự minh bạch từ những con số ngành điện đưa ra.
Họ cho rằng các số liệu đều định tính theo hướng có lợi cục bộ cho ngành điện, rằng các số liệu nếu được tính toán đầy đủ, ngành điện tăng cường tiết kiệm điện, có trách nhiệm hơn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì tình hình điện tuy có thiếu nhưng không đến mức khó khăn như hiện nay, dẫn đến buộc phải tăng giá điện để kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh xây dựng cơ bản, đáp ứng nhu cầu tăng từ 15% đến 20% sản lượng điện theo đà tăng trưởng của GDP.
Đúng là sản lượng điện của nước ta còn quá thấp, chỉ đứng thứ 7/10 trong khối ASEAN, thứ 40/49 nước và vùng lãnh thổ của châu Á và 134/192 nước của thế giới. Với đà tăng dân số hiện nay và tình hình tăng công suất nguồn rất khó khăn, sản lượng điện bình quân tính theo đầu người của Việt Nam chưa được 1.000 kWh/năm. Cũng đúng là với giá điện có sự chỉ đạo của nhà nước (5,3 cent/kWh) trong khi hầu hết các nước khác đều ở mức 8 cent/kWh như hiện nay, việc kêu gọi đầu tư kể cả trong nước và nước ngoài đều khó khăn. Nhưng câu hỏi đặt ra là nếu giảm được tiêu hao không đáng có ở nơi sản xuất, hệ thống truyền tải và người tiêu dùng từ mức 12% như hiện nay xuống thấp hơn, liệu có thể khắc phục được - dù tạm thời - tình trạng thiếu điện không? Câu trả lời là hoàn toàn khả thi. Với số điện tiết kiệm được, chúng ta có thể bù đắp đủ số điện còn thiếu, từ đó đủ thời gian để điều chỉnh lại cơ cấu của toàn hệ thống, nâng cao chất lượng kỹ thuật, giảm chi phí hơn nữa trong tương lai.
Tiết kiệm điện phải bắt đầu từ gốc, tức là từ trình độ công nghệ của nơi sản xuất, hệ thống truyền dẫn và cuối cùng, có vai trò quyết định là người tiêu dùng.
Về phía ngành điện, việc triển khai công tác tiết kiệm 10% năng lượng điện đã diễn ra như thế nào từ khi đàm phán, đấu thầu, giám sát thi công và sản xuất? Chúng ta đang nhập về công nghệ điện của nước nào, trong đó có bao nhiêu phần trăm là tiên tiến và bao nhiêu phần trăm là lạc hậu, là rác thải của công nghệ thế giới? Ngành điện đã tiết kiệm điện trong sản xuất và truyền tải thế nào trong những năm qua, và tình trạng lãng phí điện ở từng khâu truyền tải, kinh doanh điện năng hiện là bao nhiêu, kể cả lãng phí do thiết bị cũ nát, lạc hậu? Và cuối cùng là tinh thần trách nhiệm đến đâu với đất nước để chống tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm trong ngành điện?
Và về phía người tiêu dùng điện, ý thức tiết kiệm điện trong xây dựng nhà cửa, mua sắm đồ dùng điện và sử dụng điện còn rất thấp. Ý thức tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường chưa thường trực trong cuộc sống người Việt Nam. Vừa qua, chỉ với việc dùng một triệu bóng đèn compac thay đèn sợi đốt thôi, người tiêu dùng đã tiết kiệm được số năng lượng không nhỏ. Nếu không bật đèn quảng cáo suốt đêm, bật tắt đèn đường theo mùa, sử dụng điện nhiều vào giờ thấp điểm, tắt đèn khi ra khỏi phòng, tăng máy điều hòa không khí thêm một độ… trở thành nếp sống của cả xã hội thì mỗi năm nước ta "dôi" ra không ít năng lượng điện. Vậy nên, trước khi bàn tăng giá, hãy bàn tiết kiệm điện đã.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.