(HNM) - Chọn ca khúc sẵn có để đưa vào phần âm nhạc cho kịch, cho phim đang là một cách làm… tiết kiệm, nhưng không làm giàu cho nghệ thuật mà ngược lại. Tình trạng này một lần nữa nóng lên sau sự kiện sân khấu lớn vừa diễn ra là Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp 2012 (gọi tắt là liên hoan) vừa qua.
Phải nói cách làm nhạc "có sẵn" này xuất phát từ những người làm sân khấu phía Nam, nhưng dần lan ra phía Bắc và trở thành tình trạng chung cho sân khấu hiện nay. NSƯT Lê Chức, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo liên hoan vừa qua nhận xét: "Những bản nhạc thu âm tiết kiệm được chi phí nhưng lại làm nghèo đi sân khấu vốn là tổng hòa của âm nhạc, diễn xuất, ánh sáng, hội họa…". Đấy là ông mới chỉ nhắc tới hiện trạng không có dàn nhạc "sống", chứ chưa đi sâu vào chất lượng của những bản nhạc được thu âm sẵn này. Nhạc sỹ Phú Quang, thành viên BGK nêu: "Không một vở diễn nào phần âm nhạc có chủ đề xuyên suốt. Ngay cả việc chọn nhạc, chọn ca khúc để lồng ghép vào cũng không có sự thống nhất với nội dung và diễn biến tâm lý nhân vật".
Với phim truyện, tình trạng cũng không khá hơn. Các tuyệt phẩm âm nhạc Beethoven, Mozart, Schubert, Tchaikovsky… bị đưa vào nhiều bộ phim một cách vô tội vạ không theo tính chủ đề cần có.
Người chọn nhạc tỏ ra "điếc nhạc" trong khi đạo diễn lại không hiểu gì về âm nhạc hoặc coi nhẹ phần âm nhạc trong phim, sân khấu dẫn đến cách sử dụng nhạc ngày càng nghiệp dư. Đáng buồn là có sai về nhạc thì cũng ít người biết, có người biết thì cũng chỉ kêu khổ thầm chứ không có cách gì ngăn chặn bởi cái bất bình thường (chọn nhạc ẩu) đã trở thành cái bình thường (đa số tác phẩm đều chọn nhạc ẩu như vậy)!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.