(HNM) - Một bảng thu chi cân đối, lành mạnh của ngân sách nhà nước là hình ảnh đáng tin cậy nhất về một nền kinh tế phát triển đúng hướng cũng như tiềm lực của một quốc gia trong việc thực hiện những mục tiêu tăng trưởng.
Sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung, Luật Ngân sách của nước ta đã trở thành công cụ quan trọng trong điều hành nền tài chính quốc gia, góp phần tích cực vào những thành tựu kinh tế - xã hội những năm qua. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả tích cực đó vẫn còn không ít vấn đề dẫn đến tình trạng thu không đủ chi, thu - chi ngân sách nhiều khi căng thẳng, tiêu cực.
Thu ngân sách chủ yếu dựa vào thuế, bên cạnh những lý do khách quan như do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sản xuất trì trệ, hàng tồn kho nhiều, doanh nghiệp phá sản hoặc trên bờ vực giải thể tăng… dẫn đến nguồn thu ngân sách giảm, còn không ít lý do chủ quan khiến tình trạng nợ đọng, chây ỳ, gian lận thuế tiếp tục có xu hướng gia tăng. Với những biện pháp tháo gỡ kiên quyết của TP Hà Nội vào cuối năm ngoái, tình trạng thu ngân sách của thành phố từ chỗ gần như chắc chắn không đạt kế hoạch trong một thời gian ngắn đã đảo ngược cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý về điều đó.
Nhưng ngân sách vẫn mất cân đối nếu thu tăng nhưng chi còn tăng nhiều hơn. Nếu chi đúng thì bội chi, thậm chí vay tiền trong dân, vay tiền nước ngoài để bội chi vẫn không đáng lo. Có quốc gia, tiền vay nước ngoài hơn gấp đôi GDP hằng năm nhưng vẫn được xếp vào danh sách các nước đang phát triển lành mạnh. Vấn đề đáng lo ngại là bội chi không phải vì đầu tư phát triển. Theo một số liệu trên Báo Nhân Dân năm 2013, do danh sách hưởng lương ở nước ta đến hơn 7 triệu người, các cơ quan từ trung ương đến địa phương đua nhau xây trụ sở, sắm ô tô, trang bị nội thất, chi phí cho các hội nghị không cần thiết, đi nước ngoài… mức chi thường xuyên lên đến 67% tổng chi ngân sách nhà nước, gấp gần 4 lần chi cho phát triển. Riêng tiền chi cho các hội nghị, hội thảo, khởi công, khánh thành, công tác nước ngoài tốn kém của ngân sách gần 300 tỷ đồng.
Chi đầu tư cơ bản với tỷ lệ không nhiều hiệu quả lại không cao. Việc đầu tư cảm tính, không tính toán kỹ, không nhìn xa trông rộng như dự án xây dựng các nhà máy đường, các nhà máy thủy điện, cảng biển, cảng hàng không… để lại nhiều hậu quả. Tình trạng đầu tư dàn trải, đội vốn do công trình để quá lâu trong khi thời giá luôn thay đổi khá phổ biến. Những đoạn đường "đắt nhất hành tinh", những dự án vốn bổ sung gần bằng vốn đầu tư ban đầu thuộc dạng này. Còn phải kể đến tình trạng tư lợi, "của công ai khéo vẫy vùng thành riêng" khi sử dụng ngân sách. Có căn cứ để nói rằng nhiều công trình, dự án dây dưa kéo dài, nhiều khoản nợ xấu của ngân hàng là do thiếu tinh thần trách nhiệm, tư lợi của cán bộ gây ra.
Nhân Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Luật Ngân sách, người dân đóng thuế kỳ vọng Luật Ngân sách sửa đổi lần này phải nhấn mạnh hơn nữa đến tiết kiệm chi, coi đó là một trong những biện pháp hàng đầu. Lấy một thí dụ từ năm ngoái cũng trên Báo Nhân Dân, chỉ bằng các biện pháp cụ thể, kiên quyết khi thực hiện Chỉ thị 09 ngày 24-5-2013 của Chính phủ, TP Hà Nội đã dành ra được 627 tỷ đồng từ các nguồn chi thường xuyên, 500 tỷ đồng từ tiết kiệm mua sắm xây sửa, 300 tỷ đồng từ rà soát, thu hồi các dự án, công trình để chi tiêu việc khác. Rõ ràng tiết kiệm có thể giảm chi ngân sách được rất nhiều.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.