(HNM) - Qua đợt giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội”, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đánh giá, việc thực hiện các quy định về lĩnh vực này chưa đồng đều. Qua đó, thành phố cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm, nhận thức của các tổ chức, cá nhân với mục tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ việc nhỏ nhất.
Ghi nhận từ cơ sở
Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh cho biết, sau khi Quốc hội ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, thực hiện hướng dẫn của thành phố, quận đã ban hành các văn bản triển khai công tác này. Kết quả là, công tác thẩm định, phê duyệt, giao thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025 bảo đảm đúng quy định hiện hành trong khi thu ngân sách các năm 2016, 2017, 2020, 2021 vượt dự toán được giao. Đặc biệt, quận đã chủ động cắt giảm những hoạt động không cần thiết, lồng ghép những nội dung có liên quan, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc…
Cũng theo đồng chí Bùi Tuấn Anh, do đẩy mạnh thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nên quận tiết kiệm được 27 tỷ đồng thông qua đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; trong việc kiểm tra giám sát và đánh giá đấu thầu tiết kiệm được 1,7 tỷ đồng; công tác tổ chức hội nghị, tổ chức đoàn đi nước ngoài đào tạo, bồi dưỡng, chi tiếp khách, lễ hội năm 2020 và năm 2021 cắt giảm được 70% kinh phí.
Trong khi đó, Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh cho hay, ngoài việc giảm chi thông qua sắp xếp, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy các đơn vị trực thuộc, giai đoạn 2016-2021, đơn vị đã tiết kiệm chi thường xuyên được 29 tỷ đồng.
“Đơn cử như với sự kiện lớn, quan trọng, Thành đoàn thuê màn hình LED có độ phân giải cao; sự kiện thường xuyên thì thuê loại màn hình LED chất lượng trung bình để tiết kiệm chi phí. Về thiết bị âm thanh thì tổ chức ký hợp đồng thuê trong ngày nhưng tổ chức lồng ghép các sự kiện để tiết giảm chi phí”, Bí thư Thành đoàn Chu Hồng Minh chia sẻ.
Gắn trách nhiệm người đứng đầu
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đánh giá, việc triển khai thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn chưa đồng đều. Có một số đơn vị triển khai khá tốt, song có nơi chưa chú trọng đến công tác này nên chưa có sự định lượng, chỉ tiêu rõ ràng…
Giám sát tại Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho thấy, đơn vị chưa xây dựng kế hoạch cụ thể để làm căn cứ thống kê, định lượng, đánh giá việc tiết kiệm, chống lãng phí. Vì vậy, chưa làm rõ được giai đoạn 2016-2021 đơn vị tiết kiệm được bao nhiêu, chống lãng phí ở những khâu nào.
Còn ở Thành đoàn Hà Nội, việc công khai theo quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa thực hiện đầy đủ. Việc khai thác các tài nguyên là tài sản công, đất đai, trụ sở chưa được thể hiện rõ về hiện trạng sử dụng, dự án đang triển khai và cơ sở nhà đất không sử dụng, có sự lãng phí. Đặc biệt, Thành đoàn mới thể hiện tiết kiệm tập trung vào chi tiêu ngân sách, dự toán; chưa thể hiện việc sử dụng nguồn xã hội hóa, quyên góp ra sao.
Tương tự, quận Cầu Giấy chưa tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để chủ động phát hiện, kịp thời xử lý vi phạm và khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt trong lĩnh vực này.
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân cho rằng, để nâng cao việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, các đơn vị cần đánh giá tác động giữa chống lãng phí với sự đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để có cách thức phù hợp, hiệu quả. Đáng lưu ý, đối với các quận, huyện, thị xã, cần quản lý, sử dụng tài sản công đúng, đủ, đặc biệt là với các nhà văn hóa cộng đồng để tránh lãng phí…
Theo đại biểu Quốc hội chuyên trách Nguyễn Tuấn Thịnh, thực tế là có nhiều dự án được thống kê trong danh mục dự án sử dụng đất chậm triển khai, lãng phí nguồn lực đất đai. Do đó, đề nghị chính quyền địa phương cần nắm bắt tiến độ và những vướng mắc của các dự án, đề xuất giải pháp cả về phân cấp, phân quyền trong quản lý dự án ngoài ngân sách có sử dụng đất…
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, giải pháp đầu tiên để nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm trong toàn hệ thống chính trị. Vì thế, thời gian tới, các cấp, ngành cần tăng cường tuyên truyền để tạo lan tỏa công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ việc nhỏ nhất, từ người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đến người dân. “Để có cách làm khoa học, hiệu quả, mỗi đơn vị cần quan tâm áp dụng công nghệ số, công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong lĩnh vực này”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.