(HNM) - Không chỉ tập trung cho vay ở các thành phố lớn, ngành Ngân hàng còn triển khai nhiều chương trình ưu đãi với khách hàng ở các tỉnh miền núi, nhất là khu vực phía Bắc. Có được kênh tiếp vốn hiệu quả, nhiều doanh nghiệp ở những vùng xa đã có cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa.
Tính đến đầu tháng 9-2019, huy động vốn của toàn ngành Ngân hàng với các tỉnh miền núi phía Bắc đạt gần 400 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 9% so với năm 2018, chiếm khoảng 4,5% tổng nguồn vốn huy động toàn quốc. Dư nợ tín dụng đạt khoảng 409.552 tỷ đồng, tăng 4,87%, chiếm 5,29% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, trong đó dư nợ cho vay theo lĩnh vực ưu tiên đều tăng so với cuối năm 2018.
Ông Nguyễn Sơn Vương - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Chè Cờ Đỏ Mộc Châu (Sơn La) cho biết: Mỗi năm, Công ty xuất khẩu khoảng 600 tấn chè sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc) và Đông Âu, chủ yếu là hai loại sản phẩm Kim Tuyên và chè San Tuyết - Mân Côi. Trong quá trình chuyển đổi và phát triển những năm qua, công ty luôn được hưởng mức tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Agribank là 6-6,5%/năm đối với các khoản vay. Nguồn vốn vay ưu đãi đã hỗ trợ công ty đầu tư cơ sở hạ tầng mới, đầu tư tái sản xuất, đáp ứng chi trả nhân công, tạo việc làm cho 256 hộ gia đình.
Cũng nhận được nguồn vốn kịp thời để phát triển sản xuất, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ nhiệm hợp tác xã Ngọc Lan - huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chia sẻ: "Chúng tôi được ngân hàng hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn, lập kế hoạch kinh doanh và giám sát việc sử dụng vốn vay của hợp tác xã. Nhờ đó, các sản phẩm nông nghiệp của hợp tác xã đã được ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ, nên không những được thị trường trong nước ưa chuộng, mà còn xuất khẩu sang một số quốc gia như Australia, Trung Quốc… ".
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Dũng cũng đề nghị các ngành chức năng thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, lâu dài. Cần có chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển nông nghiệp tại các xã, bản vùng đặc biệt khó khăn...
Về phía các ngân hàng thương mại, ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc Agribank cho biết: Tại khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, Agribank đang triển khai 4 chương trình chính sách, 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tại các địa bàn trọng điểm. Từ đầu năm 2019, Agribank dành nguồn vốn tối thiểu 5.000 tỷ đồng để cho vay tiêu dùng hợp pháp, cấp bách với mức cho vay tối đa 30 triệu đồng. Agribank thực hiện thủ tục nhanh gọn, hướng tới đối tượng khách hàng là bà con trong lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn, nhằm góp phần đẩy lùi nạn "tín dụng đen".
Về các chính sách hỗ trợ thời gian tới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú khẳng định: "Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đổi mới hoàn thiện các cơ chế chính sách tín dụng ưu tiên cho vùng này. Ngành Ngân hàng cũng chủ động nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng trên địa bàn để phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường biện pháp quản lý hoạt động của tổ chức tín dụng, về những vấn đề phát sinh cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.
Ghép các chương trình chính sách tín dụng ngân hàng với các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách phù hợp với quy định và thực tế của địa phương. Các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương của Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, trong đó có đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, người dân. Có chính sách điều hòa vốn phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong đó ưu tiên nguồn vốn lãi suất thấp cho các chi nhánh trên địa bàn để đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.”
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.