Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục vượt khó để duy trì tăng trưởng

Hồng Sơn| 02/08/2021 15:55

(HNMO) - Nền kinh tế đã đi qua 7 tháng trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Chính phủ đã theo sát tình hình, chỉ đạo kịp thời để nền kinh tế giữ được ổn định vĩ mô. Vấn đề đặt ra hiện nay là tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó nhằm duy trì đà tăng trưởng, thu về kết quả cao nhất vào cuối năm 2021...

Thành quả và khó khăn

Theo Tổng cục Thống kê, dù khó khăn nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì khá tốt sức tăng trưởng, bảo đảm kinh tế vĩ mô với một số chỉ tiêu đáng ghi nhận. Đó là, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 7 tháng đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Tính chung 7 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,2%). 

Những số liệu trên thể hiện sức chống chọi của nền kinh tế trong hoàn cảnh bất lợi, mang tính bất khả kháng; trong khi hầu hết các nước đều suy giảm, không giữ được tăng trưởng hoặc tăng rất thấp. Đó cũng là kết quả sự chỉ đạo của Chính phủ trong công tác điều hành, thực hiện mục tiêu kép với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Chính phủ đã ban hành các quyết sách rất kịp thời, với nội dung thiết thực, hữu ích đối với doanh nghiệp. Đơn cử như Nghị định 52/2021/NĐ-CP (ngày 19-4-2021) gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021. Động thái này được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế) thì tổng số tiền doanh nghiệp được hưởng lợi từ Nghị định trên là khoảng 115 nghìn tỷ đồng. Đây chính là giải pháp hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Tuy vậy, bức tranh kinh tế cũng cho thấy một số hạn chế. Đó là, gần 80.000 doanh nghiệp đã tạm ngừng kinh doanh hoặc rút lui khỏi thị trường, vốn đầu tư nước ngoài có biểu hiện suy giảm, doanh nghiệp bị đội chi phí về vận tải, dịch vụ logistics, tăng giá vật liệu xây dựng...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhiều doanh nghiệp đối diện với rủi ro, gián đoạn hoạt động do những khó khăn bởi chuỗi cung ứng gián đoạn, chi phí sản xuất tăng cao bên cạnh việc thêm chi phí để phòng, chống Covid-19… Tình hình còn căng thẳng hơn tại khu công nghiệp ở các trung tâm công nghiệp lớn như Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), tác động của dịch Covid-19 ngày càng rõ nét hơn, tạo áp lực cho doanh nghiệp cũng như mục tiêu tăng trưởng. Hiện mô hình sản xuất “3 tại chỗ” của doanh nghiệp còn gặp không ít trục trặc, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung; chỉ số sản xuất công nghiệp đang tăng chậm lại. 

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp

Trước thực tế trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn theo sát tình hình, tăng cường công tác điều hành nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì tăng trưởng. Trong một diễn biến mới nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa chỉ đạo tập trung thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, đẩy mạnh tiêm vắc xin, giãn cách xã hội quyết liệt hơn nữa, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa… Tất cả nhằm ngăn chặn dịch Covid-19, sớm đưa xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường...

Nhằm đồng hành, chia sẻ kịp thời với doanh nghiệp để vượt qua dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP (ngày 1-7-2021) về chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động, với trị giá 26 nghìn tỷ đồng. Đây là biện pháp vô cùng cần thiết, giúp ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng tới người lao động và doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp có thể hy vọng vào các giải pháp hỗ trợ từ phía Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, tình hình có được cải thiện, trở lại trạng thái bình thưởng phụ thuộc phần lớn vào hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20-7-2021 phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua là một công cụ để các bộ, ngành tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác chống dịch. 

Từ chính sách điều hành, chỉ đạo chung của Chính phủ, các bộ đang tích cực vào cuộc, tìm các giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực; nhất là nhằm bảo đảm lưu thông hàng hóa. Đơn cử, Bộ Công Thương vừa có văn bản số 4580/BCT-CN ngày 30-7-2021 nhằm góp phần bảo đảm việc lưu chuyển hàng hóa trong bối cảnh nhiều địa phương đã và đang thực hiện giãn cách xã hội và thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bổ sung đối tượng lao động trong các ngành vận tải và logistics- đặc biệt là lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh, đội ngũ lao động tại các cảng biển, cửa khẩu… là đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin như lực lượng tuyến đầu chống dịch (đối tượng tiêm) của kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021-2022. Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Hiệp hội Logistics Việt Nam để giảm giá cước vận tải container.

Trong khi đó, Bộ Tài chính, ngành Thuế cũng đang làm tốt việc giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp. Ông Tạ Ngọc Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sản xuất và xuất nhập khẩu Vinapro Việt Nam (Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, đơn vị nhận được sự hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả của cơ quan chức năng; nhất là những chính sách về thuế một cách thuận lợi. Qua đó, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí…

Gợi ý giải pháp cho từng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh khó lường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, doanh nghiệp cần năng động, tìm cách thích ứng và tranh thủ thời gian, cơ hội để tăng tốc sản xuất và xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần khắc phục ngay tình trạng né tránh, thiếu quyết tâm trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công để góp phần vào tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), yêu cầu đặt ra là đẩy nhanh tốc độ triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, tìm cách làm hiệu quả và khoa học nhất để hỗ trợ đời sống cũng như tạo đà khôi phục sản xuất càng sớm càng tốt. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục vượt khó để duy trì tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.