Doanh nghiệp

Dầu khí - "đầu tàu" của nền kinh tế Việt Nam

Hồng Anh 28/11/2023 - 12:01

Ngành Dầu khí Việt Nam, chủ lực là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã có những bước tiến mạnh mẽ, trở thành “đầu tàu” của nền kinh tế Việt Nam.

1-1-.jpg
Khai thác dầu khí trên mỏ Bạch Hổ.

Giữ vững vai trò “đầu tàu”

Ngày 27-11-1961, tổ chức dầu khí đầu tiên tại Việt Nam - Đoàn thăm dò dầu lửa được thành lập. Trải qua hơn 6 thập niên với biết bao thăng trầm, các thế hệ người lao động dầu khí đã nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm thực hiện ước nguyện của Bác Hồ, đó là “xây dựng ngành công nghiệp dầu khí mạnh”.

Kể từ tấn dầu thô đầu tiên được khai thác năm 1986, ngành Dầu khí Việt Nam đến nay đã khai thác được khoảng 430 triệu tấn dầu trong nước và khoảng 180 tỷ mét khối khí. Hoạt động dầu khí bao phủ hầu hết thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Trong hành trình phát triển, Petrovietnam, doanh nghiệp nòng cốt của ngành, đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí đến phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, trong đó, tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi; đồng thời, đào tạo được đội ngũ lao động dầu khí hùng hậu, có trình độ cao.

Với 5 hệ thống đường ống dẫn khí lớn, hằng năm, Petrovietnam cung cấp gần 9-11 tỷ mét khối khí cho sản xuất 35% sản lượng điện quốc gia, 70% sản lượng đạm và 70-80% lượng khí cho các hộ tiêu thụ dân dụng của cả nước.

Petrovietnam cũng là doanh nghiệp đứng thứ 2 về cung cấp điện với tổng công suất các nhà máy điện của Petrovietnam đạt 6.605 MW, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điện quốc gia.

2-1-.jpg
Người lao động dầu khí. Ảnh: Nguyễn Trường Sơn.

Vững vàng bước vào giai đoạn mới

Năm 2023, trong bối cảnh tác động tiêu cực của các yếu tố kinh tế vĩ mô, địa chính trị, thị trường, Petrovietnam đã nỗ lực, linh hoạt trong quản trị, điều hành, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, an toàn, liên tục và tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, Petrovietnam hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu tài chính, về đích trước từ 1,5-5 tháng kế hoạch cả năm 2023 được giao. Trong đó, nộp ngân sách toàn Tập đoàn hoàn thành kế hoạch năm trước 5 tháng (đạt 78,3 nghìn tỷ đồng); lợi nhuận hợp nhất toàn Tập đoàn hoàn thành kế hoạch năm trước 4 tháng (đạt 34,7 nghìn tỷ đồng); tổng doanh thu toàn Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng 20 ngày (đạt 677,7 nghìn tỷ đồng); tổng doanh thu hợp nhất Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng 18 ngày (đạt 413,7 nghìn tỷ đồng).

3.jpg
Toàn cảnh Khu công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau.

Sản lượng sản xuất xăng dầu (không bao gồm Nghi Sơn) của Petrovietnam đã hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng 25 ngày (đạt 5,53 triệu tấn); sản lượng kinh doanh xăng dầu của Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng (đạt 9,06 triệu tấn), góp phần quan trọng trong việc duy trì nguồn cung xăng dầu.

Năm 2023 còn ghi nhận hàng loạt những dấu ấn quan trọng của Petrovietnam. Việc Petrovietnam cùng các đối tác đã ký kết các hợp đồng liên quan và triển khai chuỗi Dự án Lô B - Ô Môn là sự kiện quan trọng nhất, đánh dấu bước tiến quan trọng của chuỗi dự án khí điện trọng điểm đã kéo dài gần 20 năm.

Đây là công trình trọng điểm nhà nước về dầu khí có quy mô lớn nhất của Việt Nam hiện nay với sản lượng khai thác khí dự kiến 5,06 tỷ mét khối/năm trong giai đoạn ổn định, cung cấp cho 4 Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn tại Cần Thơ với tổng công suất lắp đặt gần 4.000 MW.

Rất nhiều dự án, nhà máy công nghiệp của ngành Dầu khí như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Cụm khí - điện - đạm Cà Mau, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2... triển khai ở đâu thì những địa phương đó đều có kết quả phát triển kinh tế khả quan.

4(1).jpg
Chuyến tàu nhập khẩu LNG đầu tiên của Việt Nam cập bến kho cảng Thị Vải.

Có thể khẳng định, những nỗ lực của Petrovietnam và các đơn vị thành viên những năm qua luôn gắn liền mục tiêu, khát vọng hiện thực hóa Chiến lược phát triển của Petrovietnam với định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời, nhấn mạnh quan điểm sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái…

Với truyền thống đoàn kết, bản lĩnh và trí tuệ của người dầu khí, với “khát vọng, trí tuệ, chuyên nghiệp, nghĩa tình” của văn hóa Petrovietnam, Petrovietnam vững tin sẽ hoàn thành xuất sắc kế hoạch năm 2023 và những năm sắp tới, đạt nhiều thành tích, kỷ lục mới, giữ vững vai trò là tập đoàn kinh tế nhà nước trụ cột, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dầu khí - "đầu tàu" của nền kinh tế Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.