(HNMO) - Công tác tuyên truyền cần tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên trì, bền bỉ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; chú trọng làm điểm, nhân rộng điển hình, xây dựng nếp sống văn hóa của tất cả mọi người khi tham gia giao thông, hướng tới một môi trường giao thông “Trật tự, an toàn, văn minh, thân thiện”…
Đây là những yêu cầu trong Hướng dẫn số 17-HD/BTGTU ngày 26-2-2021 của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội về tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021.
Theo nội dung hướng dẫn trên, có 5 nhóm trọng tâm trong công tác tuyên truyền gồm: Thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Trung ương và thành phố Hà Nội về an toàn giao thông; chỉ tiêu, mục tiêu chủ yếu về giao thông của thành phố; chuẩn mực thái độ, hành vi tuân thủ các quy tắc, quy định của pháp luật trong quản lý trật tự đô thị và khi tham gia giao thông; mô hình làm điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông; thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân giữ gìn trật tự an toàn giao thông”.
Trong tuyên truyền các chỉ tiêu, mục tiêu chủ yếu về giao thông, Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong nhân dân.
Trọng tâm tuyên truyền là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, đội ngũ lái xe ô tô kinh doanh vận tải, đặc biệt là thanh, thiếu niên, người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện...
Thông qua công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện pháp luật về giao thông và các nhiệm vụ, giải pháp của thành phố Hà Nội để giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự, văn minh đô thị, phục vụ cuộc sống hằng ngày của nhân dân Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.