Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục thí điểm chế định thừa phát lại

Đà Đông| 24/11/2012 07:37

(HNM) - Sau gần hai năm thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại ở TP Hồ Chí Minh với những kết quả nhất định, tại kỳ họp thứ tư Quốc hội (QH) khóa XIII, Chính phủ đã đề xuất kéo dài thời gian thí điểm thêm 3 năm (đến hết ngày 31-12-2015) và mở rộng thí điểm ở các địa phương trong cả nước.

Khách hàng lập vi bằng tại Văn phòng thừa phát lại quận 8. Ảnh: Chi Mai


Vẫn là một khái niệm mới

Với không ít người, chế định thừa phát lại là một khái niệm hoàn toàn mới lạ. Cả nước mới chỉ có duy nhất TP Hồ Chí Minh thí điểm mô hình này. Hiểu một cách khái quát, thừa phát lại là người có đủ các tiêu chuẩn do pháp luật quy định, được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự (bao gồm: Xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự; tống đạt giấy tờ của tòa án và của cơ quan thi hành án dân sự cho đương sự; lập vi bằng và làm các công việc khác theo quy định của pháp luật). Thừa phát lại hành nghề thông qua hình thức Văn phòng thừa phát lại.

Tại TP Hồ Chí Minh, qua hai năm thí điểm (từ ngày 21-5-2010 đến 30-6-2012), UBND TP đã thành lập, cấp phép hoạt động cho 8 văn phòng thừa phát lại với 33 thừa phát lại, 68 thư ký và 33 nhân viên khác. Các văn phòng nói trên đã thực hiện tống đạt 103.218 văn bản với tổng chi phí thu được bước đầu là 6.568 tỷ đồng; lập và đăng ký 5.020 vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án dân sự cho 147 vụ việc và thi hành xong 26 việc. Theo đánh giá của nhiều đại biểu QH, hiệu quả hoạt động thừa phát lại bước đầu đã cho thấy đây là một hướng đi đúng về xã hội hóa hoạt động tư pháp, hoạt động thi hành án dân sự mà chủ trương của Đảng, nghị quyết của QH đã đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay chế định thừa phát lại vẫn còn xa lạ đối với nhiều người dân. Hầu hết các công việc thừa phát lại được làm đều đang do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, vì vậy, người dân chưa quen nhìn nhận và sử dụng thừa phát lại như một dịch vụ trong lĩnh vực tư pháp để hỗ trợ cho việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức mình. Mặt khác, chế định thừa phát lại đang trong giai đoạn thí điểm, nên các quy định pháp luật còn chưa đầy đủ, hiệu lực chưa cao, chưa đồng bộ và có những điểm thiếu cụ thể, gây tâm trạng lo lắng, thiếu tin tưởng của chính các thừa phát lại cũng như của những cá nhân, tổ chức đã hoặc đang sử dụng dịch vụ.

Cần thực hiện nghiêm túc nghị quyết của QH

Theo nhận định của không ít đại biểu QH, nguyên nhân đầu tiên của thực trạng trên là do nghị quyết của QH chưa được thực hiện nghiêm túc.

Đại biểu Nguyễn Sơn (đoàn Hà Nội) đánh giá, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 24 ngày 14-11-2008 của QH về chế định thừa phát lại đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, chủ yếu là do khâu triển khai tổ chức thực hiện. Theo nghị quyết, việc thí điểm được thực hiện từ ngày 1-7-2009 đến ngày 1-7-2012, nhưng trên thực tế đến giữa năm 2010 mới được triển khai. Nghị quyết yêu cầu thí điểm tại một số địa phương nhưng việc triển khai mới được thực hiện tại TP Hồ Chí Minh. Những điều này đã làm chậm tiến độ tổng kết thực hiện và không thể đánh giá khách quan, toàn diện về công tác này khi chỉ có một địa phương duy nhất thực hiện. Do bó hẹp trong phạm vi một địa phương nên công tác tuyên truyền về chế định thừa phát lại đến với người dân cả nước cũng rất hạn chế.

Đáng lo ngại hơn, nghị quyết của QH yêu cầu thời gian thí điểm đến 1-7-2012 nhưng do việc tổng kết chưa được xem xét một cách kỹ lưỡng đã dẫn tới tình trạng nhiều văn phòng thừa phát lại đang làm việc mà hiệu lực pháp lý đã hết. Theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, đây là một hậu quả pháp lý cần phải xử lý. Theo đó, Ủy ban Tư pháp của QH cần phối hợp với Bộ Tư pháp, các cơ quan hữu quan rà soát lại các nội dung trong dự thảo nghị định để trình QH xem xét thông qua ngay trong kỳ họp này.

Để đánh giá khách quan, toàn diện về chế định thừa phát lại, tại kỳ họp thứ tư, các đại biểu QH đề nghị tiếp tục thực hiện việc thí điểm đến năm 2015 ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành, chứ không làm đại trà trên phạm vi cả nước. Các đại biểu cũng yêu cầu đến năm 2014 Chính phủ phải có tổng kết đầy đủ, báo cáo QH.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục thí điểm chế định thừa phát lại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.