(HNMO) - Từ nay đến thứ năm (3-6) là giai đoạn cao điểm của đợt nắng nóng, nhiệt độ tại thành phố Hà Nội đạt mức 39 độ C, chỉ số tia tử ngoại đạt ngưỡng nguy hiểm… Để bảo vệ sức khỏe, người dân Thủ đô lưu ý các biện pháp phòng, tránh.
Trưa và chiều nay (30-5), nhiều nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra nắng nóng, nhiệt độ cao nhất ghi được tại các trạm khí tượng là 36-38 độ C. Đêm nay và sớm mai (31-5), thành phố Hà Nội không mưa, nhiệt độ giảm 10 độ C so với ban ngày, ở mức 26-28 độ C.
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cho biết, từ khoảng 5h30 ngày mai, nắng đã xuất hiện. Tuy nhiên, từ khoảng 11 đến 17h, cường độ nắng gia tăng đạt mức gay gắt, nhiệt độ cao nhất khu vực ngoại thành 36-38 độ C; khu vực nội thành 37-39 độ C, có nơi cao hơn do ảnh hưởng của hiệu ứng đô thị (khí thải từ hệ thống điều hòa, phương tiện giao thông, tỏa nhiệt từ các tòa nhà bê tông, kính, mặt đường bê tông, nhựa…). Đây cũng là thời điểm, chỉ số tia tử ngoại tại thành phố Hà Nội đạt giá trị cực đại, ngưỡng 8-9, mức có thể làm bỏng da, khô mắt… nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng trong thời gian trên 30 phút. Chiều tối mai, thành phố Hà Nội có mưa rào và dông vài nơi…
Cơ quan Khí tượng thủy văn cảnh báo, đợt nắng nóng này tại thành phố Hà Nội còn kéo dài đến ngày 4-6. Để giảm tác hại do nắng nóng gây ra, góp phần phòng, chống dịch Covid-19, người dân Thủ đô hạn chế tham gia giao thông, giảm thời gian lao động ngoài trời, nhất là từ khoảng 12 đến 15h hằng ngày… Nếu có việc cần thiết phải ra ngoài trời, người dân lưu ý đeo khẩu trang và kính chống tia tử ngoại, mặc trang phục chống nắng...
Trong thời điểm xảy ra nắng nóng, những người cao tuổi, mắc các bệnh tim mạch, huyết áp cao... không nên di chuyển đột ngột từ phòng có hệ thống điều hòa ra ngoài trời và ngược lại để phòng tránh nguy cơ sốc nhiệt, dẫn đến đột quỵ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.