Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục là trụ cột trong chính sách năng lượng

Hương Chi| 30/07/2015 06:11

(HNM) - Ngày 19-6, Chính phủ Nhật Bản thông qua Chiến lược toàn diện về đổi mới KH&CN năm 2015. Một trong những mục tiêu chính của chiến lược là ổn định nguồn cung và giảm chi phí năng lượng sạch, trong đó tiếp tục theo đuổi chính sách phát triển điện hạt nhân (ĐHN), bất chấp cuộc khủng hoảng

Ngày 5-5-2012, Nhật Bản cho lò phản ứng hạt nhân cuối cùng ngừng hoạt động. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1966, xứ sở Phù tang không dùng ĐHN trong cơ cấu năng lượng, dù trước đó nước này tiêu thụ tới 30% lượng điện là từ ĐHN. Để bù đắp lượng thiếu hụt trầm trọng, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Yoshihiko Noda đã phải nhanh chóng tăng lượng nhập khẩu khí đốt và dầu lên 30% so với cùng kỳ năm trước.


Nhà máy Điện hạt nhân Sendai được "bật đèn xanh" hoạt động trở lại.


Vụ động đất, sóng thần tại Bờ Đông ngày 11-3-2011 tiếp tục gây hậu quả nặng nề cho Nhật Bản trong nhiều năm tới. Hàng nghìn gia đình đến nay vẫn chưa được trở về nhà do lượng phóng xạ trong môi trường ở một số khu vực vẫn ở mức cao. Tổng thiệt hại về tài chính do thảm họa nói trên lên tới 50 tỷ USD, làm cho hai tập đoàn điện lực lớn nhất nước đến đầu tháng 4-2014 phải tìm đến chính phủ xin vay vốn. Riêng các nhà máy ĐHN phải cần đến khoảng 90 tỷ USD để có thể thay thế các thanh nhiên liệu và phải chi thêm 16 tỷ USD để nâng cấp trang thiết bị nếu muốn tái phát điện theo chuẩn an toàn mới. Tuy nhiên, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo ngoài lý do chi phí đắt đỏ thì cũng không đủ đáp ứng trong thời gian dài nên Nhật Bản dần hướng đến chính sách tái sinh ĐHN.

Tháng 4-2014, với tên gọi "Kế hoạch năng lượng cơ bản", Chính phủ của Thủ tướng S.Abe cam kết sẽ giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân và thúc đẩy các nguồn năng lượng tái sinh. Đáng lưu ý, ĐHN vẫn được nước này coi là nguồn năng lượng then chốt. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) ước tính chi phí sản xuất ĐHN là 10,3 yên/kWh vào năm 2030, rẻ hơn so với các nguồn năng lượng khác. METI đề xuất nâng tỷ trọng các nguồn cung điện cơ bản (gồm: ĐHN, nhiệt điện từ than đá, thủy điện và điện địa nhiệt) lên 60% vào năm 2030, so mức 40% hiện nay. Nếu muốn nâng tỷ trọng các nguồn cung điện này lên mức 60%, trong khi không muốn tăng mạnh tỷ trọng của nhiệt điện do những quan ngại về ô nhiễm môi trường, còn thủy điện và điện địa nhiệt cần chi phí và tốn một thời gian dài để lắp đặt, thì ĐHN phải chiếm tỷ trọng ít nhất là 20%.

Hiện tại, tất cả 48 lò phản ứng hạt nhân thương mại của Nhật Bản vẫn ngừng hoạt động chờ trải qua quá trình giám sát an toàn của Cơ quan Pháp quy hạt nhân Nhật Bản (NRA) với các quy định nghiêm ngặt hơn. Bốn lò phản ứng đã bị ngừng hoạt động vĩnh viễn và một lò khác bị cấm hoạt động do không đạt tiêu chuẩn an toàn mới. Để nâng tỷ trọng nguồn cung từ ĐHN lên mức 20% thì phần lớn trong số 43 lò phản ứng còn lại phải được tái khởi động.

Trong Chiến lược toàn diện về đổi mới KH&CN năm 2015, Nhật Bản coi một trong những mục tiêu chính của chiến lược là để ổn định nguồn cung và giảm chi phí năng lượng sạch. Đối với đổi mới KH&CN về ĐHN, Nhật Bản cam kết đầu tư mạnh vào phát triển công nghệ để cải thiện an toàn và an ninh hạt nhân; phát triển công nghệ xử lý và xử lý chất thải phóng xạ xuất phát từ nhiên liệu đã qua sử dụng và ngừng hoạt động lò phản ứng cùng với những công việc khác; phát triển công nghệ ngừng hoạt động các cơ sở hạt nhân; thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ các quy định liên quan đến các cơ sở hạt nhân.

Thay dần lò phản ứng hạt nhân cũ

Đến nay, tương lai của ĐHN Nhật Bản đã rõ ràng hơn bởi tổ máy đầu tiên dự kiến tái khởi động đã được phê duyệt kỹ thuật. Ngày 28-10, Hội đồng thành phố Satsumasendai thuộc tỉnh Kagoshima đã cho phép khôi phục hoạt động của Nhà máy ĐHN Sendai. Đây là nhà máy đầu tiên đáp ứng được những tiêu chuẩn an toàn hạt nhân khắt khe mà Nhật Bản đặt ra sau thảm họa Fukushima. Theo Hãng tin Kyodo, Thị trưởng Satsumasendai Hideo Iwakiri đã "bật đèn xanh" cho Nhà máy Sendai hoạt động trở lại vào đầu năm 2015, ngay sau khi Công ty Điện lực Kyushu điều hành nhà máy này hoàn tất các thủ tục cần thiết và quá trình kiểm tra tại hiện trường.

Trước đó, sau khi thị sát Nhà máy ĐHN Fukushima 2 ngày 29-12-2012, Thủ tướng S.Abe tỏ rõ ý định về một sự thay đổi trong chính sách năng lượng. Ông cho rằng, mục tiêu từ bỏ ĐHN sẽ không thành hiện
thực và bày tỏ sẵn sàng xây dựng thêm các lò phản ứng hạt nhân mới: "Các lò phản ứng mới sẽ hoàn toàn khác với các lò ở Nhà máy ĐHN Fukushima số 1 gây ra cuộc khủng hoảng vừa rồi. Chúng tôi sẽ xây dựng chúng với sự chấp thuận của người dân Nhật Bản. Tôi sẽ thúc đẩy các chính sách có trách nhiệm" - ông S.Abe khẳng định.

Trong khi đó, theo các chuyên gia ĐHN, sau sự cố hạt nhân Nhật Bản, vấn đề an ninh hạt nhân được đặc biệt coi trọng, cả ở khâu quản lý vận hành, thiết kế, lựa chọn công nghệ và nhất là bố trí không gian, địa điểm lắp đặt có tính đến các yếu tố của thảm họa thiên nhiên. Đặc biệt là việc lựa chọn công nghệ thế hệ mới với hệ số an ninh hạt nhân cao hơn so với những dự báo về thảm họa thiên nhiên có thể xảy ra. Nhật Bản chính là nước đi đầu trong nỗ lực này.

Những thay đổi này có nghĩa là đất nước Mặt trời mọc sẽ có 43 lò phản ứng ĐHN có thể hoạt động trở lại với tổng công suất 40.470MW, giảm từ 54 lò với tổng công suất 47.122MW trước khi xảy ra tai nạn năm 2011. Tuy nhiên, tất cả các lò phản ứng vẫn ngừng hoạt động cho đến khi được nâng cấp theo chuẩn an toàn mới. Ngay tại Nhật Bản, hiện còn nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến việc nên hay không nên tái sinh ĐHN, nhưng việc phát điện trở lại những tổ máy ĐHN bảo đảm an toàn sẽ là câu chuyện sớm xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục là trụ cột trong chính sách năng lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.