Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp sức doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh vượt khó

Kim Vũ| 13/07/2021 06:21

(HNM) - Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Hỗ trợ, tiếp sức để các doanh nghiệp quy mô nhỏ, các hộ kinh doanh vượt qua khó khăn, phục hồi và ổn định sản xuất, kinh doanh là nhiệm vụ đang được các cấp, ngành, địa phương của Thủ đô gấp rút triển khai.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất của hộ gia đình anh Đỗ Văn Cường, xã Vân Hà (huyện Đông Anh).

Khó khăn chồng chất

Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Vinatrips, số 15, ngõ 48 đường Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy) bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Giám đốc Công ty TNHH Vinatrips Dương Minh Thu cho biết, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có đến 95% doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, dừng hoạt động. Mặc dù từ khi dịch bệnh bùng phát (từ đầu năm 2020), công ty được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm giá điện, hỗ trợ lực lượng lao động du lịch thất nghiệp… nhưng với mức doanh thu không đáng kể như hiện nay, Vinatrips đang đứng trước hoàn cảnh rất ngặt nghèo.

Là doanh nghiệp sản xuất lụa có tiếng tại làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), nhưng Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Hương không tránh khỏi khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Hương Nghiêm Thị Thu Hương, hiện doanh thu của công ty giảm 90% do sản phẩm không tiêu thụ được. Khó khăn chồng chất buộc công ty từ tháng 5 vừa qua phải cắt giảm nhân công, từ 30 lao động xuống còn hơn 10 lao động. 

Cũng như các doanh nghiệp quy mô nhỏ, nhiều cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn Hà Nội cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Anh Đỗ Văn Cường, chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Hiệp Sỹ (xã Vân Hà, huyện Đông Anh) chia sẻ, trước đây các sản phẩm điêu khắc gỗ của cơ sở không chỉ bán tại thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng từ khi bùng phát dịch, đặc biệt là từ đầu năm 2021 đến nay do khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nên cơ sở phải cắt giảm nhân công. Còn chị Nguyễn Thị Thảo, một hộ kinh doanh rau củ quả tại chợ Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) cho biết, trong hơn 2 tháng vừa qua, thu nhập gia đình chị giảm sút do lượng khách vắng, trong khi thời tiết nắng nóng khiến rau, quả nhanh hỏng. Dù chỉ dám nhập lượng hàng hóa bằng 50% so với trước khi có dịch nhưng vẫn ế ẩm.

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp bình ổn hoạt động sản xuất, kinh doanh chỉ chiếm tỷ lệ 44%; số doanh nghiệp khó khăn, cần hỗ trợ chiếm tới 45%; số doanh nghiệp rơi vào tình trạng rất khó khăn là 11%.

Cửa hàng kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Hương (quận Hà Đông) vắng khách do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Vũ Dung

Khẩn trương vào cuộc

Triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg (ngày 7-7-2021) quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Một trong những nhóm đối tượng thụ hưởng chính của gói hỗ trợ an sinh trị giá 26.000 tỷ đồng này chính là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, các hộ kinh doanh (riêng hộ kinh doanh được hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ nếu dừng hoạt động 15 ngày trở lên).

Triển khai thực hiện quyết định này, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương vào cuộc để các chính sách hỗ trợ sớm đi vào cuộc sống. Đơn cử, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, với tổng số tiền là 7.500 tỷ đồng cùng tinh thần “phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã”. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được vay vốn lãi suất 0% để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất đối với người lao động.

Tại thành phố Hà Nội, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan đã đề nghị các hội, hiệp hội trong lĩnh vực Công Thương khẩn trương kê khai phiếu khảo sát thông tin về cộng đồng doanh nghiệp trong từng ngành hàng, với các thông tin về tình hình hiện tại của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, những khó khăn về tiếp cận vốn, thuê mặt bằng… Từ kết quả khảo sát này, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể, trên cơ sở vừa căn cứ vào Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Trung ương, vừa bảo đảm phù hợp  với thực tế của thành phố. 

Còn Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, các hộ sản xuất, kinh doanh vượt qua khó khăn, Hiệp hội đã tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thị trường; hỗ trợ kết nối 20 doanh nghiệp tìm hiểu các ngành nghề của nhau để liên kết hợp tác; tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề về chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp kịp thời xoay chuyển phương thức kinh doanh theo xu thế mới... 

Ở góc độ cơ sở, Trưởng ban Quản lý chợ Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư này, trước mắt, để chia sẻ với các hộ kinh doanh cá thể gặp khó khăn, Ban Quản lý đã miễn phí thuê chỗ ngày, phí vệ sinh môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp sức doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh vượt khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.