Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) là điển hình của thành phố Hà Nội trong thực hiện các chuỗi liên kết sản phẩm rau, quả sạch.
Với nhiều hình thức liên kết thiết thực, hiệu quả, hợp tác xã cùng với các hộ nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản theo nhu cầu của thị trường, qua đó nâng cao giá trị kinh tế cho người dân và các thành viên.
Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám cho biết: “Năm 2016, xuất phát từ một nhóm hộ nông dân có tâm huyết và kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc rau sạch, mong muốn mang đến sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, chúng tôi đã mạnh dạn đứng lên đề xuất thành lập Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn để tập hợp các hộ dân này”. Khi mới thành lập, hợp tác xã chỉ có vài hộ tham gia, đến nay đã thu hút 52 thành viên sản xuất trên diện tích gần 27ha. Trong đó, có cả diện tích hợp tác xã liên kết với nông dân huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) sản xuất theo quy trình VietGAP, cung cấp rau trái vụ cho thị trường Hà Nội...
Với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản, từ vụ đông năm 2017, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn đã triển khai trồng hàng chục loại rau như cải bắp, cải bó xôi, cải chíp, cải canh, cà chua, củ cải tròn… Hiện tại, hợp tác xã đang tổ chức sản xuất và hợp đồng sản xuất gieo trồng trên 30 chủng loại rau. Quá trình trồng rau, các thành viên của hợp tác xã áp dụng nghiêm ngặt theo quy trình sản xuất của Nhật Bản. Phân bón được sử dụng là phân chuồng đã được ủ và một số loại phân bón vô cơ có nguồn gốc rõ ràng. Mô hình áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM để hạn chế sâu bệnh hại. Ngoài ra, hợp tác xã chỉ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, kết hợp sử dụng che phủ vải không dệt đã cho hiệu quả tốt.
Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn cũng là một trong những đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Chương Mỹ được tiếp cận và áp dụng công nghệ viễn thám, hệ thống quan trắc thời tiết áp dụng vào sản xuất rau an toàn. Thông qua trạm thời tiết thông minh iMentos 3.3 A-G với hệ thống quan trắc và camera truyền hình ảnh về khu nhà điều hành, từ đây, người phụ trách dễ dàng cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến in tem, nhãn tự động, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất. Với bán kính phủ sóng 15km, trạm quan trắc dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa, độ ẩm của đất…, giúp người quản lý nắm bắt được tình hình sâu bệnh cũng như sinh trưởng để có kế hoạch sản xuất sao cho hiệu quả. Hợp tác xã cũng đã hoàn thiện khu nhà sơ chế, đóng gói, lắp đặt 2 kho lạnh bảo quản rau, bảo đảm độ tươi ngon cho sản phẩm.
Hiện tại, mỗi ngày Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn cung ứng ra thị trường khoảng 3 tấn rau xanh. Trong đó, 100% sản phẩm đều đã được ký hợp đồng bao tiêu với các đơn vị, phân phối, gồm: 4 bệnh viện, 2 hệ thống siêu thị lớn là Big C và T-Mart, 15 cửa hàng tiện ích và 11 trường học trên địa bàn thành phố... Sau khi trừ chi phí, mỗi năm hợp tác xã thu về hơn 10 tỷ đồng, thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên từ 6 triệu đồng đến 7 triệu đồng/tháng. Đối với các hộ thành viên trồng rau, thu nhập trung bình đạt khoảng 100 triệu đồng/hộ, hộ cao nhất có doanh thu trên 420 triệu đồng/năm.
Theo ông Hoàng Văn Thám, để nhân rộng mô hình liên kết chuỗi, hợp tác xã đã phối hợp với các hợp tác xã khác trên địa bàn để liên kết sản xuất. Điển hình là phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) trồng khoai tây, đậu tương, rau và ớt vụ đông. “Hiện Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Phú đang làm 2 vụ lúa hữu cơ. Sẵn nền đất hữu cơ đó, chúng tôi làm tiếp vụ đông để tăng thu nhập cho xã viên. Hợp tác xã cũng phối hợp với hai xã Đại Yên và Hoàng Diệu chuyển 2 vụ lúa ở các xã này sang 1 vụ lúa và 1 vụ đậu tương, rau bí ngọn…”, ông Hoàng Văn Thám cho hay.
Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn là điểm sáng trong thực hiện mô hình liên kết chuỗi trong nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Đây chính là hướng đi bền vững, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.