Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Tiếp sức" cho nền kinh tế đang bị tổn thương

Thùy Dương| 12/03/2020 07:22

(HNM) - Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD) cảnh báo, dịch Covid-19 không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người mà còn có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD trong năm nay. Để đối phó với cơn khủng hoảng, các tổ chức tài chính và hàng loạt quốc gia đã và đang đưa ra nhiều gói hỗ trợ để "tiếp sức" cho nền kinh tế vốn đang bị tổn thương bởi dịch Covid-19.

Thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo vì dịch Covid-19.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố ngân quỹ 12 tỷ USD hỗ trợ các nước ứng phó với tác động kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra. Quỹ 12 tỷ USD là vốn vay được xét duyệt nhanh, với lãi suất rất thấp để giúp các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển cải thiện dịch vụ y tế, đẩy mạnh giám sát dịch bệnh và tăng cường phối hợp với lĩnh vực tư nhân. 

Tiếp sau Ngân hàng Thế giới, Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva vừa công bố gói viện trợ trị giá 50 tỷ USD để giúp các nước thu nhập thấp cùng các thị trường mới nổi chống lại vi rút SARS-CoV-2. Trong khi dịch Covid-19 đang hoành hành tại châu Âu, tại cuộc họp trực tuyến tối 10-3, lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tìm cách trấn an doanh nghiệp và thị trường, đồng thời tuyên bố sẽ có những động thái cần thiết để bảo vệ nền kinh tế.

Tại cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, khối sẽ ra mắt một quỹ đầu tư trị giá 25 tỷ euro, trong đó sẽ giải ngân ngay lập tức 7,5 tỷ euro để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh, EU sẽ sử dụng tất cả các khoản tiền trong khả năng, dùng mọi phương tiện để có thể giúp nền kinh tế tăng sức kháng cự và có thể vượt qua "cơn bão" Covid-19. 

Trong khi đó, nhằm đối phó với các rủi ro từ dịch Covid-19, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa hạ lãi suất mặc dù chưa tới phiên họp định kỳ ngày 17 và 18-3. Theo đó, Fed hạ 0,5% lãi suất tham chiếu, về quanh mức 1-1,25%, sau khi các sàn giao dịch ở Mỹ đã chứng kiến những phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ngày 9-3, ngân hàng này đã "bơm" tiền mặt vào thị trường với 150 tỷ USD mỗi ngày thông qua các khoản vay ngắn hạn để bảo đảm thanh khoản trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường.

Đáng chú ý, ngày 10-3, Tổng thống Donald Trump cam kết sẽ sớm công bố các biện pháp mạnh nhằm bảo vệ nền kinh tế vốn đang có dấu hiệu chững lại. Ông chủ Nhà Trắng cho biết, ông mong muốn hỗ trợ tài chính cho người lao động mất thu nhập khi phải nghỉ làm do tham gia cách ly hoặc điều trị Covid-19, giảm thuế và hỗ trợ các ngành đối mặt với khủng hoảng như: Dịch vụ tàu biển, hàng không và khách sạn. Trước đó, Tổng thống D.Trump đã ký thông qua gói ngân sách hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 trị giá 8,3 tỷ USD. 

Tại Đức, liên minh cầm quyền ở Đức gồm Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã thông qua một số biện pháp khẩn cấp để hạn chế hậu quả do dịch Covid-19 gây ra. Tại Italia - quốc gia có số người mắc Covid-19 nhiều nhất châu Âu, Chính phủ nước này cũng đã phân bổ 7,5 tỷ euro để hỗ trợ các gia đình và doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. 

Tại Trung Quốc, nơi được coi là tâm dịch Covid-19 của thế giới, chính quyền các cấp của Trung Quốc đã dành riêng 110,48 tỷ nhân dân tệ (16 tỷ USD) để chống dịch bệnh, trong đó 71,43 tỷ nhân dân tệ đã được sử dụng. 

Hàn Quốc đã công bố gói kích thích 11.700 tỷ won (tương đương 9,8 tỷ USD) để bảo vệ nền kinh tế, ngăn chặn dịch bệnh ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng và làm suy yếu tiêu dùng trong bối cảnh Hàn Quốc đang là ổ dịch lớn thứ hai ở bên ngoài Trung Quốc. Hàn Quốc sẽ ưu tiên các chính sách nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực dễ bị tổn thương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chính phủ Nhật Bản ngày 10-3, thông báo một loạt các biện pháp tập trung vào việc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp. Bộ trưởng Tài chính Taro Aso cho biết, chính phủ sẽ khai thác phần còn lại của dự trữ ngân sách tài chính năm nay, trị giá khoảng 270 tỷ yên (2,62 tỷ USD), cho các gói hỗ trợ cho nhiều đối tượng như: Phụ huynh phải nghỉ làm để quản lý con cái do trường học đóng cửa, tăng cường cho các cơ sở y tế và tập trung vào những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang suy giảm, việc hàng loạt quốc gia đưa ra những gói hỗ trợ chính là nguồn "tiếp sức" quan trọng cho nền kinh tế vốn đang bị tổn thương bởi dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Tiếp sức" cho nền kinh tế đang bị tổn thương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.