(HNM) - Chủ nhiệm Bộ môn cầu mây Hà Nội Hà Tùng Lập đã chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới về các vận động viên Thủ đô.
- Đội tuyển cầu mây Việt Nam sắp lên đường dự King's Cup 2018, ông có thể đánh giá về cơ hội của chúng ta tại giải này?
- Cầu mây Việt Nam vừa khép lại hành trình thi đấu tại ASIAD 18-2018 ở Indonesia, giành 1 Huy chương bạc, 2 Huy chương đồng. Chỉ sau vài ngày nghỉ ngơi là các em đã trở lại tập luyện, sẵn sàng lên đường vào ngày 21-9 để dự King's Cup 2018. Chúng ta sẽ tham dự 10 nội dung thi đấu. Tôi đánh giá các em có cơ hội giành huy chương, nhất là sau màn thể hiện đáng khen ngợi ở Á vận hội vừa qua.
- Gắn bó với cầu mây đã nhiều năm, ông nhìn nhận thế nào về kết quả thi đấu của đội tại Á vận hội 2018?
- Việc giành Huy chương bạc nội dung 4 nữ cũng như 2 Huy chương đồng ở nội dung 4 nam và đội tuyển regu đồng đội nữ thực sự rất ấn tượng, nhất là khi chúng ta đang trong giai đoạn trẻ hóa. Các vận động viên kỳ cựu đều giải nghệ sau ASIAD 17-2014 và lứa dự ASIAD 18-2018 mới được đầu tư ở cấp độ đội tuyển quốc gia có 4 năm, chưa có nhiều kinh nghiệm. Tôi thực sự cảm động trước nỗ lực, quyết tâm thi đấu và sự tự tin mà các em đã thể hiện ở ASIAD 18-2018.
- Có chút tiếc nuối nào không khi mà lứa vận động viên mới chưa thể có Huy chương vàng như các đàn chị từng làm được ở kỳ ASIAD năm 2006?
- Rất khó giành được một tấm huy chương ở môn cầu mây bởi nhiều khi phải thi đấu 6-7 trận mới đến được trận chung kết. Và để có một lứa vận động viên đạt độ chín về trình độ thì cần sự đầu tư chuyên sâu về cả nhân lực và vật lực trong một khoảng thời gian rất dài. Hiện nay, Thái Lan với sự đầu tư chuyên nghiệp, dài hơi và liên tục cho môn này đã tạo được khoảng cách rất lớn so với các nước còn lại. Trong khi đó, lứa trẻ của Việt Nam mới có 4 năm để “làm lại”, sự đầu tư cũng ở mức độ nhất định. Khi vào đến trận chung kết 4 nữ, chúng ta có quyền hy vọng giành “vàng”, nhưng thua Thái Lan ở trận này cũng không có gì là khó hiểu.
Khen ngợi cầu mây nữ nhưng tôi cũng vui mừng với tấm Huy chương đồng cầu mây nam 4 người, bởi đội nam không được đầu tư như nữ và họ cũng không được tham gia ASIAD kể từ năm 2006. 12 năm mới trở lại đấu trường châu lục và ngay lập tức giành Huy chương đồng, thực sự là ấn tượng lắm chứ! Tôi mong sau kỳ Á vận hội này, lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao sẽ có sự đầu tư thích đáng hơn, vì các em đã chứng tỏ mình xứng đáng với điều đó.
- Ông có thể chia sẻ về sự đóng góp của cầu mây Hà Nội trong thành tích ấn tượng vừa qua?
- Đội tuyển cầu mây dự ASIAD 18-2018 gồm 18 vận động viên, riêng Hà Nội có 9 người. Trong thành tích giành 1 Huy chương bạc, 2 Huy chương đồng đó, vận động viên Thủ đô đều đá chính trong đội hình. Nữ có Dương Thị Xuyên, Giáp Thị Hiển, Trần Thị Thu Hoài, Bùi Thị Hải Yến, Phạm Thị Hằng, Đặng Thị Phương Thanh; nam có Đầu Văn Hoàng, Nguyễn Hoàng Lân, Đỗ Mạnh Tuấn. Các em đa phần có hoàn cảnh khó khăn, nhưng có ý chí và tinh thần nỗ lực vượt khó, thi đấu vừa vì màu cờ sắc áo vừa quyết tâm giành giải thưởng để có kinh phí hỗ trợ gia đình.
- Sau King's Cup, cầu mây Hà Nội sẽ dự Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018 với mục tiêu cụ thể là gì?
- Kết thúc King's Cup, vận động viên Hà Nội sẽ tập huấn tại Thái Lan để chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc 2018 và chỉ trở về Hà Nội trước Đại hội vài ngày (môn cầu mây diễn ra từ ngày 1 đến 9-12, tại Nhà thi đấu quận Hoàng Mai).
Tại Đại hội, Hà Nội phấn đấu giành 5 Huy chương vàng - một nhiệm vụ cực kỳ khó, nhất là khi vận động viên phải thi đấu 12 nội dung chỉ vỏn vẹn trong 9 ngày (trung bình 1,5 ngày/nội dung). Với cường độ thi đấu này, ngay người trong nghề cũng phải nói là "khủng khiếp"!
Bởi vậy, việc cần làm là trau dồi thể lực và kỹ thuật. May là các vận động viên trẻ đều ý thức rõ nhiệm vụ, quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình. Họ sẽ nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ, vì bản thân, gia đình và vì trách nhiệm với Thủ đô!
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.