Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp nhận khối tài liệu hiện vật về lịch sử cuộc đời của GS Phong Lê

Hoàng Lân| 22/09/2016 15:38

(HNMO) – Vào ngày 25/9 tới, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức buổi tiếp nhận khối tài liệu, hiện vật về lịch sử cuộc đời của giáo sư (GS) Phong Lê.

GS Phong Lê với nhiều công trình nghiên cứu có giá trị


GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), là một nhà khoa học có nhiều đóng góp trong nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam hiện đại. Ông cũng là một trong những nhà khoa học đã tham dự lễ khởi động dự án và ra mắt Trung tâm vào tháng 9/2008. Từ đó đến nay ông đã dành nhiều thời gian chia sẻ với Trung tâm và dành tặng cho Trung tâm toàn bộ khối tài liệu hiện vật đồ sộ về lịch sử cuộc đời của ông. Nhân dịp vừa hoàn thành xử lý và đưa vào bảo quản khối tài liệu lớn này, Trung tâm tổ chức buổi lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật về lịch sử cuộc đời của GS Phong Lê để tri ân ông và gia đình đã đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào Trung tâm và cũng để mừng một khối lượng di sản lớn của một nhà khoa học đáng kính đã trở thành tài sản của đất nước được chính thức bảo quản, lưu giữ tại Trung tâm.

GS Phong Lê tên thật là Lê Phong Sừ, sinh năm 1938 tại xã Sơn Trà, một vùng quê nghèo thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Sinh ra ở một vùng đất hiếu học, bố ông lại là một thầy giáo nên từ bé ông đã được học hành tử tế, lại được tiếp cận với nhiều sách vở, tạo nên nguồn cảm hứng cho riêng ông đối với văn học.

Các công trình nghiên cứu của GS Phong Lê


Năm 1956, sau khi tốt nghiệp phổ thông, GS Phong Lê ra Hà Nội và thi đỗ vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vừa mới thành lập, trở thành sinh viên khóa đầu tiên của nhà trường. Sau 3 năm học tập tại khoa Ngữ văn, năm 1959, ông tốt nghiệp đại học và được nhận về Viện Văn học vừa mới thành lập, làm việc tại Ban văn học Việt Nam cận hiện đại. Tại đây, ông được làm việc và học hỏi rất nhiều từ các bậc trưởng lão đi trước như Viện trưởng Đặng Thai Mai, Viện phó Hoài Thanh, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan… Từ đó ông trưởng thành nhanh chóng và trở thành cán bộ cốt cán của Viện Văn học.

Đến năm 1988, trong cuộc bầu cử Viện trưởng đầu tiên được tổ chức ở Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), GS Phong Lê được bầu làm Viện trưởng. Ông được phong học hàm Phó Giáo sư năm 1984 và Giáo sư năm 1991. GS Phong Lê tham gia giảng dạy ở nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước, đào tạo nên nhiều thế hệ học trò trong ngành nghiên cứu, phê bình văn học. Gần như cả cuộc đời GS Phong Lê đã dành hết tâm huyết cho công tác khoa học và giáo dục.

Chỉ nói riêng trong nghiên cứu, phê bình văn học, GS Phong Lê đã có nhiều đóng góp lớn trong lĩnh vực nghiên cứu về văn học Việt Nam thế kỷ XX. Tính đến nay, GS Phong Lê là tác giả của 30 cuốn sách in riêng và hàng chục công trình tập thể do ông chủ biên, tham gia biên soạn cùng hàng trăm bài viết trên các tạp chí, bài tham luận trong các hội thảo quốc gia và quốc tế.

Những tài liệu quý của GS Phong Lê hiện đang được giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam


Bộ sưu tập tài liệu hiện vật về lịch sử cuộc đời Phong Lê hiện lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam là một khối tài liệu lớn và quý, với hơn 8.000 tài liệu, gồm các sổ ghi chép, bản ghi chép, bản thảo sách, bản thảo bài viết, thư từ trao đổi, kỷ vật, bài viết, báo cáo khoa học, ảnh tư liệu, sách xuất bản … Đây là những tài liệu thể hiện về cuộc đời và sự nghiệp nghiên cứu khoa học, giảng dạy và quản lý của GS Phong Lê. Không những vậy, những tài liệu này cón có nhiều giá trị để tìm hiểu về lịch sử phát triển của Viện Văn học, nhất là giai đoạn đổi mới văn học từ giữa những năm 80 đến giữa những năm 90 thế kỷ trước. Những tài liệu này cũng liên quan đến nhiều nhà nghiên cứu từng làm việc với GS Phong Lê hay nhiều vấn đề văn học mà ông quan tâm, sưu tầm lại để sử dụng qua các giai đoạn khác nhau.

Buổi lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật này cũng là dịp để các đồng nghiệp, bạn bè và học trò của GS Phong Lê cùng chia sẻ những kỷ niệm về ông, trao đổi về những đóng góp của ông trong nghiên cứu, phê bình văn học, quản lý Viện Văn học và đào tào, giảng dạy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếp nhận khối tài liệu hiện vật về lịch sử cuộc đời của GS Phong Lê

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.