Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếng Việt - hành trình văn hóa về với quê hương

Thùy Linh thực hiện| 22/10/2012 07:43

(HNM) - Làm thế nào để các thế hệ người Việt ở Lào sau này tiếp tục hành trình văn hóa về với quê hương là trăn trở của bác sĩ Hồ Văn Minh, phụ trách Ban Văn hóa - Thông tin Hội Người Việt Nam ở Savannakhet (Lào). Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện nhân dịp ông vừa về thăm quê hương.


- Tiếng mẹ đẻ là sợi dây bền chặt gắn bó những người Việt xa xứ với đồng bào trong nước. Ở Savannakhet, bà con kiều bào có quan tâm đến việc dạy và học tiếng Việt không, thưa ông?

- Ở Savannakhet, chúng tôi có các ngôi trường của cộng đồng người Việt Nam như: Trường Mẫu giáo Lạc Hồng, Hoàng Oanh; Trường Tiểu học Thống Nhất, Nguyễn Trãi. Những ngôi trường này dạy chương trình của Bộ Giáo dục Lào và tiếng Việt được học như một môn ngoại ngữ. Tuy nhiên, khi lên cấp II, học sinh vào học tại những ngôi trường của địa phương thì chương trình tiếng Việt không còn nữa. Vì vậy, vốn tiếng Việt được học trước đó rất dễ mai một. Đây là điều tôi vô cùng trăn trở. Tâm huyết của tôi là muốn làm thế nào để các cháu được học tiếng Việt từ lớp 1 cho đến khi trưởng thành.

- Ngoài học tập tại trường, ở Savannakhet có các trung tâm dạy tiếng Việt của cộng đồng kiều bào ta không, thưa ông?


- Chúng tôi có Trung tâm tiếng Việt do TP Đà Nẵng giúp cả về xây dựng cơ sở vật chất và nhân lực, đã hoạt động được khoảng 6-7 năm nay. Nhưng, tại đây chỉ dạy chủ yếu tiếng Việt để giao tiếp và dạy cho mọi lứa tuổi. Theo tôi, nếu được dạy trong trường học thì quá trình học tiếng Việt và văn hóa Việt sẽ liên tục và cơ bản hơn. Phải có tiếng Việt thì các cháu mới nhớ về cội nguồn của mình. Vì vậy, chúng tôi rất mong được Nhà nước ta có chính sách hỗ trợ giúp các cháu được học tiếng Việt để tiếp tục hành trình văn hóa về với quê hương Việt Nam.

- Sự giúp sức đó, cụ thể là gì thưa ông?

- Chúng tôi mong muốn tiếp tục được hỗ trợ về kinh phí và nhân lực để xây dựng được những ngôi trường cấp THCS và THPT. Hiện chúng tôi đã được cấp 1ha đất để xây dựng trường THCS, nhưng cộng đồng người Việt ở Savannakhet còn nghèo nên việc xây dựng một ngôi trường là rất khó. Vậy, nếu được Nhà nước Việt Nam hỗ trợ thì việc xây dựng ngôi trường sẽ mau chóng được thực hiện. Thứ hai là về nhân lực, có thể cử chuyên gia dạy tiếng Việt từ trong nước sang để giảng dạy tiếng Việt cho học sinh các trường Việt kiều; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên Việt kiều. Bên cạnh đó là tạo điều kiện để chúng tôi gửi người về nước học rồi quay về dạy tiếng Việt cho cộng đồng,…

- Sinh ra và lớn lên ở Lào, nhưng ông nói tiếng Việt rất giỏi. Ông đã học tiếng Việt thế nào?

- Vốn tiếng Việt tôi có được là nhờ bố mẹ. Lúc còn nhỏ tôi luôn được bố mẹ dạy học tiếng Việt bằng các tài liệu phim ảnh, được nghe các câu chuyện cổ tích Việt Nam rồi phải kể lại cho bố mẹ nghe, đúng thì được thưởng, không đúng phải chịu phạt. Tôi cũng được học tiếng Việt ở trường nhưng không nhiều, chỉ trong các năm lớp 1-2 thôi. Sau khi tốt nghiệp phổ thông tôi đăng ký thi vào Đại học Y khoa Huế, được về Việt Nam học. Nhờ vậy tôi vừa có chuyên môn y khoa, vừa có văn hóa tiếng Việt.

- Ông có thể giới thiệu đôi chút về cộng đồng người Việt ở Savannakhet?


- Cộng đồng người Việt ở Savannakhet có khoảng 3.000 người, sinh hoạt dưới “mái nhà chung” là Hội Người Việt Nam ở Lào. Chúng tôi tham gia nhiều hoạt động xã hội cùng bà con bản xứ. Còn trong cộng đồng chúng tôi cũng có nhiều hoạt động để phát huy tình đoàn kết, giúp đỡ thương yêu nhau. Chúng tôi có Quỹ Y tế cộng đồng được đóng góp từ lòng hảo tâm của các tổ chức, công ty, doanh nghiệp… để khám bệnh, chữa bệnh giúp đỡ bà con nghèo. Người Việt Nam dù sinh ra và lớn lên ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này thì trong dòng máu vẫn luôn nhớ về tổ tiên, cội nguồn. Vì vậy dù sống trên đất bạn Lào, cộng đồng người Việt Nam luôn thực hiện những ngày lễ cổ truyền trân trọng và chu đáo như đang sống trên quê hương mình. Cũng như tất cả những người Việt Nam ở nước ngoài, dù có bôn ba khắp bốn phương trời chúng tôi luôn hướng về quê hương Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếng Việt - hành trình văn hóa về với quê hương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.