“Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ” là cuốn sách của tác giả Phạm Thị Kiều Ly, họa sĩ Tạ Huy Long minh họa, do Nhà Xuất bản Kim Đồng ấn hành.
Trong khuôn khổ Triển lãm sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), ngày 12-10, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (Hà Nội), Nhà Xuất bản Kim Đồng tổ chức tọa đàm “Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ - Câu chuyện về chữ viết của tiếng Việt” xoay quanh việc sáng tạo và phát triển, phổ biến chữ Quốc ngữ và cuốn sách “Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ”.
Đây là cuốn truyện tranh bán hư cấu kể lại câu chuyện cuộc đời nhiều thăng trầm của giáo sĩ Đắc Lộ - Alexandre de Rhodes, một vị linh mục, người của Tòa thánh Vatican, đã tới Việt Nam từ thế kỷ XVII và có công rất lớn trong việc in cuốn từ điển đầu tiên của tiếng Việt (Từ điển Việt-Bồ-La) vào năm 1651.
Cuốn sách giải đáp thắc mắc về sự ra đời của chữ viết tiếng Việt; việc hiện nay chúng ta dùng văn tự Latinh, khác các nước “đồng văn”; người đã tạo ra chữ Quốc ngữ…
Tại tọa đàm “Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ - Câu chuyện về chữ viết của tiếng Việt”, các diễn giả là Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly - tác giả cuốn sách “Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ”; PGS.TS Trần Trọng Dương, nhà nghiên cứu Hán Nôm và Tiến sĩ Vũ Đức Liêm, nhà nghiên cứu lịch sử đã trao đổi về chuyến hành trình sáng tạo và phát triển, phổ biến của chữ viết hệ Latinh của tiếng Việt, kể từ khi giáo sĩ Alexandre de Rhodes lần đầu đặt chân tới Việt Nam vào 400 năm trước (1624-2024) và giá trị của các loại văn tự được ghi nhận trong sự thăng trầm của lịch sử Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly, lịch sử chữ Quốc ngữ khá đặc sắc với những câu chuyện ly kỳ, gắn với hành trình truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây. Ban đầu, thứ văn tự này chỉ là một công cụ để học tiếng Việt nhằm trao đổi với người Việt và thuận tiện trong việc truyền giáo. Sau đó, nó được sử dụng như một thứ mật mã và chỉ được dạy trong các chủng viện. Sau những biến động chính trị và giáo dục, chữ Quốc ngữ dần thay chữ Nho trong các văn bản hành chính của đất nước, nắm vai trò khai dân trí và trở thành chữ viết chính thức của nước ta.
Tọa đàm giúp công chúng hiểu sâu hơn về tiếng Việt, truyền ngọn lửa tình yêu tiếng Việt và lịch sử tới độc giả hôm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.