Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếng mẹ đẻ với những người xa xứ

Phương Quỳnh| 20/11/2016 05:46

(HNM) - Khi mới thành lập, Trường tiếng Việt Sao Mai ở Berlin chỉ là lớp học nhỏ với số học sinh khiêm tốn. Nhưng đến nay, sau 10 năm, ngôi nhà


Ý tưởng thành lập một trường dạy tiếng mẹ đẻ cho con em người Việt thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra và lớn lên tại Đức đã được bà Trịnh Thị Mùi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Thương mại Thái Bình Dương đưa ra và triển khai vào năm 2007. Theo bà Mùi, việc dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ người Việt ở Đức là rất quan trọng. Bởi khi biết tiếng Việt thì cha mẹ, con cái trong gia đình hiểu nhau hơn. Các cháu biết tiếng Việt rồi sẽ cảm thấy gần gũi với gia đình, cộng đồng người Việt và yêu quê hương hơn.


Cô và trò Trường tiếng Việt Sao Mai trong lễ kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập trường.


Bà Mùi chia sẻ, nhìn thấy các cháu nhỏ phải đi chợ cùng bố mẹ, hoặc gửi người giúp việc bản địa chăm sóc nên không nói được tiếng mẹ đẻ, với bản năng của một người từng đứng trên bục giảng và ý thức về trách nhiệm của mình, bà đã quyết tâm làm điều bền vững hơn cho cộng đồng. Bà đã tự bỏ kinh phí, dành một góc của Trung tâm Thương mại Thái Bình Dương để mở trường tiếng Việt, sau đó cùng với những kiều bào có tâm huyết duy trì hoạt động của ngôi trường.

Sau một thời gian, cái tên Sao Mai đã được nhiều người Việt tại Đức biết tới. Và hiện tại, Sao Mai đã có 4 lớp học được duy trì thường xuyên vào mỗi cuối tuần với khoảng 50-60 học sinh, có lúc cao điểm, số học sinh của trường đã lên tới gần 130 em. Thậm chí, có nhiều em ở rất xa, cách Berlin cả trăm cây số vẫn chăm chỉ đến lớp. Có thể nói rằng, để duy trì được những lớp học như vậy liên tục trong 10 năm qua là nhờ tình yêu nghề, yêu trò hết lòng và tinh thần thiện nguyện tuyệt vời của các cô giáo.

Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết, khi bắt đầu đến trường, hầu hết các em chưa biết gì hoặc nói được rất ít tiếng Việt nên phương pháp giảng dạy không thể áp dụng theo cách dạy chữ cho trẻ lớp 1 ở Việt Nam. Đó là một thách thức lớn, đòi hỏi người dạy phải kiên nhẫn, tìm tòi, áp dụng cách dạy học khác nhau. Nếu dễ nản chí sẽ không thể theo đuổi công việc khó khăn này vì đây hoàn toàn là việc làm tự nguyện. Các cô giáo dạy học ở trường cũng không phải để kiếm sống. Để thu hút các em đến trường, các cô không chỉ giảng dạy đơn thuần tiếng Việt mà còn tích cực lồng ghép nhiều nội dung về tập tục, văn hóa cổ truyền vào nội dung giảng dạy ở thời điểm phù hợp, qua đó giúp các em hiểu thêm về những truyền thống tốt đẹp của quê hương - đất nước. Phần thưởng cho các cô đơn giản chỉ là hàng trăm học sinh đã biết nói, biết đọc tiếng Việt, có thể dễ dàng giao tiếp, nói chuyện qua điện thoại với ông bà ở quê hương. Thậm chí, nhiều em khi đã thạo tiếng Việt, vẫn muốn tiếp tục được học nâng cao hơn nữa.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Liên, phụ trách Trường tiếng Việt Sao Mai cho biết, bên cạnh các hoạt động chính khóa, nhà trường cũng liên hệ với các trung tâm văn hóa tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa cho học sinh, qua đó góp phần làm sinh động và mở rộng không gian văn hóa Việt. Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng giáo dục thích ứng, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, mở chuyên đề theo từng thời điểm phù hợp tạo hứng thú trong việc học nhằm bồi đắp ngôn ngữ, văn hóa cho thế hệ tương lai của đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếng mẹ đẻ với những người xa xứ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.