(HNMCT) - Mấy ngày qua, dư luận xôn xao với với clip ghi lại cảnh xô xát giữa nhóm người Việt với 2 du khách nước ngoài trên phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm.
Theo đó, 3 người đàn ông đã dùng ghế nhựa tấn công 1 trong 2 người nước ngoài và vị du khách cũng xông vào tấn công lại 1 trong số 3 người đàn ông trước khi rời đi. Dù hai bên sau đó giải tán và không trình báo nhưng lực lượng chức năng cho biết đã vào cuộc xác minh vụ việc.
Theo lời khai một phía ban đầu thì 2 du khách nước ngoài có dấu hiệu say rượu, chế giễu nhóm người Việt trước dẫn tới xô xát. Ai sai, ai đúng, chắc chắn phải đợi cơ quan công an triệu tập đương sự điều tra làm rõ và xử lý nghiêm khắc, kể cả với du khách (nếu say rượu và có hành vi không đúng mực, gây rối trật tự công cộng, vi phạm quy định pháp luật Việt Nam).
Nói gì thì nói, bất kể đúng sai thế nào, những hình ảnh vụ việc tấn công du khách nước ngoài được phát tán trên mạng xã hội cũng là “vết đen”, ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu một điểm đến “an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn” đã được chính quyền và người dân Hà Nội dày công vun đắp nhiều năm qua. Những người theo sát sự phát triển của ngành Du lịch Thủ đô đều biết, những năm qua, Thành phố đã rất chú trọng đầu tư đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thu hút khách du lịch và đạt kết quả tích cực. Thế nhưng, dịch Covid-19 bùng phát đã tác động tiêu cực khiến lượng du khách giảm sâu trong năm 2021.
Ngày 10-2-2022, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND về phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 năm 2022 - 2023, với những mục tiêu, biện pháp cụ thể. Và đến thời điểm này, du lịch Thủ đô đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực, lượng du khách trong và ngoài nước đến thăm thành phố đông dần lên từng ngày.
Bởi thế, dù chỉ là cá biệt nhưng những hành vi ứng xử chưa phù hợp, thiếu văn hóa chẳng khác gì gáo nước lạnh dội vào không chỉ du khách mà ngay với sự nỗ lực của ngành Du lịch và cộng đồng. Cứ cho là 2 du khách nước ngoài say rượu, có hành vi phản cảm, khiêu khích, nhưng thay vì dùng nắm đấm, ghế nhựa để “giao tiếp”, người (nhóm người) bị gây sự kia hoàn toàn có thể đến công an phường sở tại (gần ngay đó) để phản ánh, yêu cầu xử lý.
Vụ việc này cộng với vụ việc xảy ra cách đây hơn 1 tháng khi một lái xe taxi cố tình chiếm đoạt điện thoại của 2 nữ du khách người Nga, hay vụ lái xe taxi “chặt chém” du khách người Ba Lan 400.000 nghìn đồng cho quãng đường từ khách sạn Apricot Hà Nội (phố Hàng Trống) đến Khu đô thị Times City (diễn ra ngày 1-7) rõ ràng đã làm xấu đi hình ảnh một điểm đến “an toàn, thân thiện, mến khách”.
Mặc dù lực lượng chức năng đã tiến hành điều tra, xử lý rất nhanh hai vụ chiếm đoạt tài sản và “chặt chém”, trả lại tài sản cho du khách, và chắc hẳn là vụ xô xát ở phố Hàng Buồm cũng sẽ được xử lý thỏa đáng, thế nhưng "tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”, những hình ảnh, thông tin tiêu cực trên mạng xã hội chắc chắn sẽ để lại những ấn tượng không tốt, nhất là với những du khách chưa từng đặt chân tới Hà Nội.
Người dân là chủ thể quan trọng và cũng là đối tượng chính thụ hưởng khi du lịch phát triển, lượng khách tăng cao. Điểm đến có “an toàn, thân thiện, mến khách” hay không, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng cũng như các điểm lưu trú, các hãng lữ hành, thì cách ứng xử của người dân, các hộ kinh doanh đóng vai trò rất quan trọng. Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới nhiều mặt kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đáng kể tới cuộc sống của mỗi người dân, nhưng không thể vì cái lợi nhỏ trước mắt hay cái tôi cá nhân mà có những hành vi ứng xử không đúng mực. Khách đến chơi nhà hay không phần nhiều phụ thuộc vào sự mến khách, cách giao tiếp, đối đãi, ứng xử của chủ nhà. Nếu du khách chưa biết, hãy hướng dẫn; nếu họ chưa hiểu, hãy giải thích. Bởi "lời nói chẳng mất tiền mua" và nắm đấm không phải là giải pháp trong một xã hội văn minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.