(HNMCT) - Di sản văn hóa, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể là do con người sáng tạo ra. Chính vì thế, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy, khơi nguồn giá trị di sản, góp phần đáng kể vào công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa. Để khuyến khích nhiều hơn nữa các cá nhân, tổ chức tham gia vào quá trình này, chúng ta cần có chính sách, giải pháp cụ thể ra sao? Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng xoay quanh vấn đề này.
- Thưa Tiến sĩ Trần Hữu Sơn! Theo ông, lực lượng nào hiện đang tham gia vào quá trình bảo tồn, phát huy, khơi nguồn giá trị di sản văn hóa?
- Tôi cho rằng, lực lượng đông đảo nhất hiện nay là nguồn nhân lực từ cộng đồng. Và trong cộng đồng, người giữ vị trí quan trọng nhất là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín trong làng, xã... Họ nắm giữ tri thức dân gian của cộng đồng, gần gũi và hiểu rõ về giá trị di sản tại địa phương nơi mình sinh sống. Lực lượng thứ hai bao gồm doanh nhân, người lao động, giới sáng tạo; tôi muốn nhấn mạnh vai trò đặc biệt của giới trẻ, những người mang sứ mệnh tiếp nối, lan truyền, quảng bá giá trị của di sản. Lực lượng thứ ba chính là chính quyền địa phương. Lực lượng thứ tư là các cơ quan quản lý nhà nước, bao gồm đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức ngành Văn hóa từ địa phương đến các cơ quan trung ương - những nơi diễn ra các hoạt động nghiên cứu và thực hành di sản.
- Ông đánh giá như thế nào về các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay?
- Trước tiên phải khẳng định, bảo tồn, phát huy, khai thác các giá trị di sản văn hóa không phải là công việc của riêng một cơ quan, tổ chức nào, mà cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng thực hiện. Nếu thực hiện tốt, di sản văn hóa vừa là “kho báu” vừa là “chiếc cần câu” và là nguồn lực kinh tế lâu dài cũng như trước mắt của người dân, chính quyền địa phương và quốc gia. Trên thực tế, những năm gần đây, các hoạt động đưa di sản trở thành một phần của sản phẩm văn hóa trong các lĩnh vực như thời trang, thiết kế, thủ công mỹ nghệ, xuất bản, âm nhạc, phim ảnh, kiến trúc... đang diễn ra rất sôi nổi và có đóng góp đáng kể cho nền công nghiệp văn hóa. Đặc biệt là hiện nay, do được học tập, mở rộng diện giao lưu, tiếp thu giá trị văn hóa tiên tiến nên khi tiếp cận với giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, lớp trẻ đã đưa ra những nhận xét, góc nhìn mới mẻ và trở thành đội quân tiên phong đưa giá trị truyền thống trở lại đời sống đương đại.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì nhìn chung, công tác bảo tồn, phát huy, khai thác các giá trị di sản hiện chưa đạt được kết quả như mong muốn. Đầu tiên, vai trò của chính quyền ở nhiều địa phương chưa được thể hiện một cách hiệu quả dù đây là cơ quan có chức năng đưa ra các chính sách, quy định cụ thể, góp phần hiện thực hóa chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tiếp đó, vai trò của người tư vấn, tổ chức tư vấn, yếu tố quan trọng để phát huy các giá trị di sản vẫn chưa được chú ý đúng mức; vai trò của truyền thông cũng chưa được phát huy một cách hiệu quả. Trình độ tiếp nhận thông tin của công chúng ngày càng cao, báo chí không đơn thuần là công cụ đưa tin mà cần trở thành món ăn tinh thần đa dạng đối với công chúng. Tuy nhiên, dung lượng, thời lượng dành cho di sản văn hóa ở không ít ấn phẩm báo chí, chương trình truyền hình, phát thanh... còn khiêm tốn; một số cơ quan báo chí chưa thực sự quan tâm, chưa "mạnh tay" trong việc lên tiếng bảo vệ di sản văn hóa. Bên cạnh đó, nhận thức, kiến thức của một số phóng viên về lĩnh vực này còn hạn chế, phiến diện nên việc biểu dương hay phê phán còn hời hợt, công thức, ít hiệu quả, tính phản biện chưa cao...
- Đưa những giá trị cổ xưa vào đời sống đương đại, làm sống lại giá trị truyền thống là việc không dễ dàng. Theo ông, các lực lượng đang làm công tác bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị di sản hiện đang gặp những khó khăn gì?
- Theo tôi, khó khăn nhất trong việc đưa giá trị truyền thống vào đời sống đương đại liên quan tới vấn đề nhận thức. Bởi chỉ có nhận thức đúng về giá trị, tầm quan trọng của di sản thì mới có thể bảo vệ và truyền bá rộng rãi vẻ đẹp cũng như giá trị của di sản.
Khó khăn tiếp theo là hiện nay, hệ thống cơ chế chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, đãi ngộ tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật còn nhiều bất cập. Chúng ta thiếu các tiêu chí cụ thể trong việc đánh giá, tôn vinh, đãi ngộ đối với những tài năng thực sự. Đây là rào cản đối với sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa...
Bên cạnh đó, thị trường tiêu dùng các sản phẩm văn hóa có yếu tố truyền thống còn hạn hẹp, mức chi tiêu cho văn hóa của người dân còn khiêm tốn. Việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm văn hóa có yếu tố truyền thống gặp nhiều khó khăn trước sự lấn át của những sản phẩm văn hóa ngoại nhập, tình trạng vi phạm bản quyền, mức thu nhập nhiều khi chưa thỏa đáng và thiếu ổn định đã tác động ít nhiều đến tâm lý của người sáng tạo nghệ thuật.
- Vậy theo ông, thời gian tới đây chúng ta cần làm gì để khuyến khích nhiều hơn các cá nhân tham gia vào việc khai thác, phát huy giá trị văn hóa truyền thống?
- Chúng ta cần hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp quy cũng như chính sách về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có quy định về đối tượng, thời gian, biện pháp... một cách chi tiết, rõ ràng. Cần xây dựng các chính sách, giải pháp khả thi về quản lý di sản để vừa phát huy giá trị di sản, vừa bảo tồn di sản một cách hiệu quả. Ngoài ra, chúng ta cũng cần tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, nhất là đối với đội ngũ trực tiếp tham gia vào việc khai thác giá trị di sản, bằng cách mở thêm nhiều lớp đào tạo về di sản. Về chế độ đãi ngộ, hiện chúng ta đã có chính sách đãi ngộ nghệ nhân dân gian, tuy nhiên, cần mở rộng đối tượng đãi ngộ, quan tâm nhiều hơn đến những người trực tiếp tham gia bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đặc biệt là các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong làng, xã... Với lớp trẻ, cần lập các quỹ hỗ trợ và kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để họ có thêm điều kiện phát huy sức trẻ và khả năng sáng tạo trong việc khai thác nguồn tài nguyên di sản.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.