(HNMCT) - Di sản văn hóa phi vật thể vốn không hữu hình như di sản vật thể. Vì thế, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gặp không ít khó khăn. Cộng đồng là những người nắm giữ di sản nên có vai trò quan trọng nhất trong hoạt động bảo tồn. Di sản còn hay mất phụ thuộc cộng đồng. Đó là nội dung chính trong cuộc trò chuyện của phóng viên Hànộimới Cuối tuần với Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam.
- Thưa Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, bà đánh giá thế nào về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội trong những năm qua?
- Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành Đề án tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, theo đó đã nhận diện được 1.793 di sản và đưa vào Bản đồ di sản văn hóa phi vật thể. Việc kiểm kê này là bước đầu nhận diện, nâng cao nhận thức về di sản. Quan trọng nhất là phải đầu tư để bảo vệ di sản, đặc biệt là đầu tư nghiên cứu để khai thác giá trị di sản, góp phần vào đời sống kinh tế - xã hội. Có như vậy thì người dân mới chủ động tham gia bảo vệ, các tổ chức xã hội mới đầu tư cho di sản.
Hiện nay, các di sản văn hóa phi vật thể mới chỉ được nhận diện giá trị, một số di sản cần phải khai thác, phát huy giá trị, quảng bá, góp phần phát triển du lịch. Để làm được điều đó, Hà Nội cần có sự đầu tư để phát triển sản phẩm du lịch từ di sản văn hóa phi vật thể một cách bài bản hơn.
- Bà nhìn nhận thế nào về việc khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hiện nay?
- Tôi từng tiếp xúc với một số doanh nhân đang khai thác giá trị di sản để phát triển các sản phẩm văn hóa và du lịch, nhưng một số người mới chỉ nhìn di sản ở bề nổi, thiếu sự hiểu biết sâu sắc nên khó có thể đưa ra một sản phẩm tương xứng. Muốn khai thác giá trị di sản một cách bền vững, cần có quá trình đầu tư nghiên cứu cùng sự tham gia của các nhà khoa học.
Doanh nghiệp tư nhân tham gia khai thác giá trị di sản văn hóa phi vật thể đa phần không có sự ràng buộc với các cơ quan quản lý nhà nước. Họ thường tự thỏa thuận với cộng đồng, nên đôi khi có thể ép cộng đồng làm theo ý muốn chủ quan của mình. Họ có thể thu lợi rất nhiều nhưng trả lại cho cộng đồng rất ít.
Đề cập đến câu chuyện bản quyền cho di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng là vấn đề khá mới. Xét ở một góc độ nào đó, những doanh nghiệp khai thác di sản phải tính toán lợi ích của cộng đồng, sau đó mới bàn đến việc cùng hợp tác sản xuất. Nhưng ở Việt Nam, nhiều người thường coi nhẹ vấn đề này. Bản thân cộng đồng cũng không ý thức được quyền lợi của mình. Sự dễ dãi đó đôi khi khiến cho di sản bị sai lệch hoặc bị mai một.
Để doanh nghiệp và cộng đồng có thể phối hợp với nhau trong quá trình khai thác, phát huy giá trị di sản, cần có hành lang pháp lý để kiểm tra, giám sát, phản biện. Nhà nước có thể đề nghị các cơ quan nghiên cứu phát hiện các nguy cơ ảnh hưởng đến di sản và có ý kiến phản biện để bảo vệ di sản. Vấn đề này cần được đặt ra cho các tổ chức, các viện nghiên cứu bởi đấy là vai trò, chức năng của họ.
- Theo bà, vấn đề bản quyền sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho cộng đồng nắm giữ di sản?
- Khoảng vài chục năm trước, Hàn Quốc đã thành lập Quỹ Di sản văn hóa Hàn Quốc để bảo hộ cho sản phẩm của các nghệ nhân. Mỗi sản phẩm được đóng dấu chứng nhận sẽ có giá cao gấp 5 - 10 lần so với khi không có. Con dấu ấy là sự khẳng định về chất lượng, giá trị của sản phẩm và xác nhận bản quyền. Như vậy, các sản phẩm na ná không thể bán với giá ngang bằng.
Việt Nam cũng cần có một quỹ tương tự như vậy. Nhưng để thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, cần có cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp với các chính sách miễn giảm thuế, ưu tiên đầu tư... Tuy nhiên, phải có cơ chế giám sát chặt chẽ trong việc chi tiền từ quỹ này nhằm sử dụng tiền đúng mục đích và tránh việc cộng đồng phải làm theo ý chí chủ quan của doanh nghiệp. Muốn làm được như vậy, trước hết, cần thay đổi nhận thức xã hội. Bản thân nhà đầu tư phải là người thực sự hiểu, yêu di sản và muốn bảo tồn di sản vì cái tâm của mình chứ không vì mục đích khác. Điều đó đòi hỏi phải có sự sàng lọc, không phải nhà đầu tư nào đổ tiền vào cũng được chấp nhận.
Kinh nghiệm của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng có thể áp dụng cho việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Nghệ nhân có đăng ký bản quyền cho sản phẩm của mình. Bản quyền này là sự chứng nhận cho những sáng tạo trong sản phẩm mà nghệ nhân làm ra trên cơ sở nền tảng truyền thống chứ không phải là bản quyền cho cả di sản của cộng đồng nói chung. Đấy là cách bảo hộ bản quyền cho di sản văn hóa phi vật thể.
- Theo bà, cần làm gì để di sản văn hóa phi vật thể được coi trọng nhiều hơn?
- Di sản văn hóa phi vật thể có sức sống mạnh mẽ hay mai một đều do ý thức của con người. Vì thế, việc đầu tiên cần quan tâm là đầu tư nâng cao ý thức của cộng đồng để họ thấy được vai trò quan trọng của việc giữ gìn di sản. Nhưng không phải vì thế mà họ đòi hỏi phải có tiền mới làm, nó sẽ làm mất đi ý nghĩa của câu chuyện tự bảo vệ di sản. Khi một di sản được ghi danh, yếu tố trước tiên là cộng đồng phải cam kết tự nguyện bảo vệ di sản. Tiền chỉ giải quyết những khó khăn mà tự họ không thể giải quyết được, ví dụ như khôi phục lại không gian thực hành di sản đã bị xuống cấp hoặc không còn. Nếu cứ cấp tiền một cách vô điều kiện thì sẽ khiến cộng đồng nảy sinh tâm lý dựa dẫm, trông chờ. Phải để mỗi người nỗ lực và tự vận động cộng đồng địa phương, những người có liên quan tham gia giữ gìn di sản.
Hiện nay, cộng đồng nắm giữ di sản kéo co ngồi ở phường Thạch Bàn (quận Long Biên) đang làm rất tốt vai trò này. Họ tự kêu gọi người dân địa phương tham gia đóng góp tiền cho các hoạt động tuyên truyền quảng bá, giữ gìn di sản. Và di sản ấy không chỉ hồi sinh mà còn sống “khỏe”.
Đối với những di sản có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội như sản phẩm làng nghề, Nhà nước phải có sự đầu tư thỏa đáng cho việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu, quy hoạch, đưa ra những cơ chế, chính sách để các đơn vị, nhà thiết kế giúp cộng đồng sáng tạo các mẫu mã phù hợp. Phải có những cú hích để cộng đồng nỗ lực tìm tòi, thực hiện. Thậm chí, Nhà nước có thể đầu tư cho con cái của các thợ giỏi, gửi nghệ nhân trẻ đi học về sáng tạo, thiết kế, từ đó tạo ra thế hệ kế cận và nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề. Sản phẩm chất lượng được bán với giá cao sẽ góp phần mang lại nguồn lợi cho cộng đồng. Thấy được lợi ích từ di sản, cộng đồng sẽ càng sáng tạo và bảo vệ, giữ gìn di sản của mình. Và cái vòng tròn ấy cứ liên tục vận động, chi phối sự tồn tại của di sản.
Bên cạnh đó, có những loại hình di sản phải bảo hộ hoàn toàn, nếu không sẽ biến mất như sử thi, ca trù, tiếng lóng Đa Chất... Có những di sản không còn phù hợp với nhu cầu phát triển và bị mai một dần cần phải được tư liệu hóa để lưu giữ. Nếu cộng đồng ý thức được nguy cơ mai một và hiểu biết nhất định về di sản, họ sẽ tìm cách giữ gìn di sản. Câu chuyện lại trở về với ý thức của cộng đồng nắm giữ, thực hành di sản. Và như thế, di sản còn hay mất chính là bởi cộng đồng.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.