Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiến độ thu ngân sách so với dự toán đạt thấp nhất kể từ năm 2013

Hương Thủy| 07/07/2020 14:16

(HNMO) - Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, 6 tháng đầu năm 2020, tiến độ thu ngân sách so với dự toán đạt thấp nhất kể từ năm 2013. Do đó,

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Tài chính cần chủ động nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách, giải pháp tài khóa linh hoạt, hiệu quả để phục hồi, phát triển kinh tế...

Ngày 7-7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Thu ngân sách thấp nhất trong 7 năm qua

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đều ở mức thấp, giá dầu thô giảm sâu và việc triển khai các giải pháp tài khóa nhằm phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã tác động lớn đến cân đối thu, chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2020.

Lũy kế 6 tháng, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 668,7 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu thu từ cổ phần hóa đạt tiến độ dự toán, cộng với số thuế đã gia hạn, thì đạt khoảng trên 48% dự toán.

“Đây là năm có tiến độ thu ngân sách so với dự toán đạt thấp nhất kể từ năm 2013”, Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin.

Cả nước có 34/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán; không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số thì chỉ có 14/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán; 30/63 địa phương tiến độ thực hiện thu đạt dưới 45% dự toán.

Trong 16 địa phương trọng điểm thu có điều tiết về trung ương, chỉ có 5/16 địa phương đạt tiến độ thu nội địa trên 50%; 11 địa phương còn lại đạt dưới 50%, trong đó 8 địa phương đạt dưới 40% dự toán.

Tổng số tiền được gia hạn thuế, tiền thuê đất của doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh là khoảng 43 nghìn tỷ đồng, thấp hơn so với dự báo (khoảng 180 nghìn tỷ đồng); thực hiện miễn, giảm một số loại thuế, phí và lệ phí với giá trị dự kiến khoảng 20 nghìn tỷ đồng.

Chi ngân sách nhà nước ước đạt 41,8% dự toán. Ngân sách nhà nước đã chi khoảng 15,3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt 33,1% dự toán. 

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, 6 tháng cuối năm, ngành Tài chính đã đề ra 10 nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện. Trong đó, Bộ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khóa, kể cả các giải pháp về thuế, phí để trình cấp có thẩm quyền quyết định, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; điều hành chi ngân sách nhà nước trong phạm vi dự toán được giao, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, tập trung thực hiện rà soát, sắp xếp, lồng ghép các nhiệm vụ chi để cắt giảm các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện các địa phương thể hiện sự quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách ở mức cao nhất. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm tăng 3,39%, mức khá cao so với các tỉnh, thành phố và mức chung của cả nước; nếu bao gồm cả số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn, thu ngân sách trên địa bàn là 143.478 tỷ đồng, đạt 51,4% dự toán, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019.

Để hoàn thành nhiệm vụ thu, chi ngân sách năm 2020 ở mức cao nhất, trong 6 tháng cuối năm, thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện ba nhóm giải pháp trọng tâm, đồng thời đề xuất với Bộ Tài chính, Chính phủ một số vấn đề.

Toàn cảnh hội nghị.

Ngành Tài chính làm gì để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh? 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của toàn ngành Tài chính đã cùng cả nước vượt qua khó khăn. Theo Thủ tướng, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm rất nặng nề, vì vậy, Bộ Tài chính sớm có lời giải cho câu hỏi: Ngành Tài chính cần tiếp tục làm gì để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp? Bộ Tài chính cần theo dõi sát tình hình quốc tế và trong nước, có chính sách phù hợp, kịp thời, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế - xã hội.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cùng các cấp, các ngành phấn đấu thực hiện ba nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm dự toán thu, chi ngân sách đã đề ra; bảo đảm nguồn lực tài chính cần thiết để hỗ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Theo Thủ tướng, so với các nước, không gian tài khóa tiền tệ của Việt Nam còn dư địa khá lớn cho phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Để tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, Bộ Tài chính cần đổi mới tư duy phát triển, hoạch định chính sách, có quan điểm chủ động tích cực hơn về vài trò chính sách tài khóa trong tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, kích thích tổng cầu. Tài chính không chỉ là bảo đảm thu, chi ngân sách nhà nước, mà cần được hiểu nghĩa rộng là nuôi dưỡng nguồn thu, tạo động lực thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, cần ủng hộ những mô hình kinh doanh mới, chủ động hơn nữa trong tháo gỡ khó khăn cho các dự án.

Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Tài chính cần chủ động nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách, giải pháp tài khóa linh hoạt, hiệu quả để phục hồi phát triển kinh tế; các giải pháp tiếp tục giảm, hoãn, miễn thuế và huy động thêm nguồn lực phát triển để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường kiểm soát thị trường giá cả, quản lý tốt giá xăng dầu, điện, nước để không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng, kiên quyết giữ lạm phát ở mức dưới 4%

Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cần được chú trọng, trong đó cần giải ngân hết vốn kế hoạch năm 2020.

Cùng với đó, ngành Tài chính đẩy mạnh thực hiện kỷ luật, kỷ cương công vụ. Các ngành hải quan, thuế định kỳ đối thoại với doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiến độ thu ngân sách so với dự toán đạt thấp nhất kể từ năm 2013

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.