Giao thông

Tiền đề tạo những giải pháp vượt trội phát triển đường sắt đô thị

Bảo Hân 17/01/2024 - 20:13

2 phiên thảo luận trong ngày 17-1 đã diễn ra với tinh thần đầy tâm huyết, trách nhiệm, nêu được nhiều vấn đề quan trọng, mới về phát triển đường sắt đô thị tại 2 thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đáp ứng được các mục tiêu đặt ra theo kế hoạch.

pct-tphcm-1-.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường phát biểu khai mạc thảo luận.

Chiều 17-1, Hội thảo khoa học phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành phiên làm việc thứ hai với chủ đề “Quy hoạch TOD”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường nhấn mạnh, các ý kiến phát biểu, tham luận sáng nay đã làm rõ việc triển khai mô hình TOD (phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị muốn phát triển hệ thống đường sắt.

“Mô hình TOD có mối liên hệ chặt chẽ với xây dựng quy hoạch các “siêu đô thị” có quy mô dân số lớn, góp phần giải quyết các vấn đề về giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chỉnh trang đô thị; cải thiện, mở rộng không gian sống. Mô hình này được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu áp dụng theo những giải pháp căn cơ, toàn diện, dài hạn”, ông Bùi Xuân Cường khẳng định.

Tại phiên thảo luận chiều nay, hai thành phố tiếp tục lắng nghe các ý kiến tham luận tập trung vào nội dung quy hoạch TOD, thu thập thêm các thông tin, bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, hoàn thiện mô hình phát triển đường sắt đô thị phù hợp.

Ông Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, đơn vị lập đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội tới năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cho biết, đồ án ngoài nghiên cứu đề xuất về định hướng phát triển không gian đô thị nói chung trên địa bàn thành phố cũng đã đề xuất các nội dung về TOD.

Về nội dung cụ thể, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội Lê Chính Trực nêu, đến năm 2035, định hướng tỷ lệ phát triển phương tiện công cộng tại Hà Nội sẽ tăng trên 50%; tới năm 2045, tăng trên 60%. Trong đó, hệ thống đường sắt đô thị được hiệu chỉnh phù hợp với yêu cầu mới trong điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô trên cơ sở bổ sung tuyến, mô hình phù hợp.

TOD là khu vực đô thị phát triển nhằm tối ưu hóa 3 chức năng chính của đô thị là ở - làm việc - giải trí trong khu vực có khả năng đi bộ và được hỗ trợ bởi hệ thống giao thông công cộng. Với một đô thị đặc biệt như Hà Nội, phát triển theo mô hình TOD sẽ tăng hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế, xã hội môi trường, giảm khoảng cách đi lại giữa nơi ở với nơi làm việc, các cửa hàng; giảm đô thị hóa tràn lan, bảo vệ tài nguyên đất đai; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, các phương tiện giao thông cá nhân…

ong-le-chinh-truc.jpg
Ông Lê Chính Trực, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội.

Việc phát triển TOD tại Hà Nội bảo đảm hài hòa với bảo tồn các không gian văn hóa lịch sử, kiến trúc cảnh quan, khai thác không gian ngầm. Về không gian, sẽ khai thác yếu tố hồ ao, mặt nước đặc trưng của Hà Nội gắn với các không gian mở, cây xanh, giao tiếp cộng đồng. Thành phố chú trọng chỗ đỗ xe 2 bánh, nhằm hỗ trợ và mở rộng bán kính TOD; phát triển nhà ở dạng shop-house, khai thác các dịch vụ, du lịch… gắn với đi bộ và hoạt động "kinh tế vỉa hè"; tổ chức không gian theo hình thái đô thị từng khu vực.

Đối với khu vực phát triển mới bảo đảm mật độ, không gian mở, tạo không gian cộng đồng. Bố trí đủ các công trình công cộng hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ, văn hóa theo chỉ tiêu. Bố trí chợ dân sinh gần khu vực ga…

Trao đổi trực tuyến về kinh nghiệm quy hoạch TOD của Nhật Bản, bà Ayako Kubo, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, ở Nhật Bản, không có vùng TOD cụ thể trong quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, TOD đã được hiện thực hoá bằng cách kết hợp các quy hoạch các khu thương mại lõi với khu dân cư ở khu vực ngoại vi. Các khu thương mại được triển khai quanh các nhà ga với các quy mô khác nhau. Ở Nhật Bản, hệ thống phân khu hiện nay nhằm thúc đẩy mô hình TOD.

Từ khâu lập quy hoạch đến triển khai dự án đường sắt đô thị ở Nhật Bản có sự phối hợp công - tư chặt chẽ. Các cơ quan thuộc JICA hay Ngân hàng phát triển Nhật Bản cũng tham gia tích cực vào dự án này. Trong đó JICA đầu tư cho nhiều dự án vận tải công cộng khối lượng lớn.

Cũng trong chiều nay, nhiều chuyên gia đến từ Nhật Bản, Anh, Singapore… đã chia sẻ “chìa khóa” thành công trong phát triển theo định hướng giao thông công cộng; các nguyên tắc và kinh nghiệm trong tích hợp quy hoạch sử dụng đất và giao thông; giải pháp lập kế hoạch di chuyển để phát triển theo định hướng giao thông công cộng trong quá trình đô thị hoá bền vững; quy hoạch đô thị tích hợp với phát triển theo định hướng giao thông công cộng ở châu Á…

df36e65792ce399060df.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu kết luận.

Phát biểu kết luận, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nêu, 2 phiên thảo luận trong ngày đã diễn ra với tinh thần đầy tâm huyết, trách nhiệm, nêu ra được nhiều vấn đề quan trọng, mới, đáp ứng được các mục tiêu đặt ra theo kế hoạch.

Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đang chỉ đạo đồng thời, đồng bộ các nội dung: Hoàn thành Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Chương trình phát triển đô thị toàn Thành phố và sửa đổi Luật Thủ đô. Trong đó, đối với định hướng quy hoạch khung hệ thống hạ tầng giao thông có dự kiến kết nối cả hệ thống các tuyến đường sắt đô thị, hệ thống (TOD) theo các điều kiện phát triển và nhu cầu kết nối các tỉnh, thành phố xung quanh Hà Nội, tạo động lực phát triển, lan tỏa liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước theo định hướng, chủ trương của Bộ Chính trị đặt ra.

Đối với nghiên cứu mô hình TOD tại trung tâm thành phố, đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bổ sung quy hoạch phát triển không gian xây dựng ngầm theo mô hình TOD xung quanh các ga đường sắt đô thị, các khu vực quan trọng với các nguyên tắc: Chức năng sử dụng hỗn hợp, ưu tiên phát triển xây dựng không gian ngầm trong các công trình công cộng, trung tâm thương mại đô thị, tạo lập đầu mối giao thông, theo hướng lấy ga đường sắt đô thị ngầm làm hạt nhân liên kết các các loại hình giao thông khác, phát triển các liên kết trực tiếp hoặc gián tiếp giữa các công trình xây dựng ngầm với ga đường sắt đô thị…

“Kết quả của chương trình hội thảo sẽ là cơ sở cho 2 thành phố đề xuất chủ trương, chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tiễn, có tính khả thi và sẽ là tiền đề tạo ra những kế hoạch, giải pháp vượt trội trong lĩnh vực tái thiết, phát triển đô thị nói chung và hệ thống đường sắt đô thị nói riêng: đồng thời tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu các giải pháp, cách làm hiệu quả, kinh nghiệm đã triển khai thành công từ các nước tiên tiến trên thế giới”, Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiền đề tạo những giải pháp vượt trội phát triển đường sắt đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.